Dịch vụ

Tin mới:
Các câu hỏi thường gặp về Mã số - Mã vạch
Quay Lại

 

Câu 1: Yêu cầu bắt buộc phải có Mã số mã vạch (MSMV) trên hàng hóa không?

Trả lời: Tại Việt Nam, hiện nay không có quy định bắt buộc phải có MSMV trên hàng hóa mà tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp khi thấy cần phải sử dụng MSMV để tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.

Câu 2: Công ty chúng tôi nhập sản phẩm từ nước ngoài về bán tại Việt Nam, tuy nhiên trên bao bì sản phẩm chưa có MSMV. Vậy chúng tôi có được đăng ký MSMV tại Việt Nam để in lên bao bì sản phẩm không?

Trả lời: Nếu sản phẩm nhập khẩu chưa có MSMV trên bao bì, thì doanh nghiệp nhập khẩu có thể đăng ký MSMV tại Việt Nam và in trên nhãn phụ của sản phẩm. Lưu ý: doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về dán nhãn phụ.

Câu 3: MSMV có thể hiện xuất xứ của hàng hóa không?

Trả lời: MSMV không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.

Câu 4: Công ty tại Việt Nam thực hiện gia công, đóng gói sản phẩm cho công ty ở nước ngoài dưới nhãn hiệu riêng của khách, sản phẩm bán tại nước ngoài. Vậy trên bao bì sản phẩm đó có gán được MSMV của Việt Nam không? Hay phải sử dụng MSMV của nước ngoài, và phía công ty Việt Nam có được in MSMV nước ngoài trên bao bì không? Có cần thực hiện thủ tục đăng ký gì không?

Trả lời: Sử dụng MSMV của nước ngoài hay của Việt Nam là tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên, không có quy định bắt buộc sử dụng MSMV của ai.

Theo Nghị định 13/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, đã bãi bỏ thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp không cần phải thực hiện thủ tục nào khác khi sử dụng mã nước ngoài trên sản phẩm gia công, đóng gói tại Việt Nam.

Câu 5: Công ty chúng tôi là công ty A trước đây đã đăng ký MSMV và đã được cấp mã số doanh nghiệp GS1 (GCP). Hiện nay công ty chúng tôi đang tiến hành thủ tục giải thể và có một Công ty B mua lại công ty của chúng tôi và muốn sử dụng lại MSMV chúng tôi đã gán lên sản phẩm. Trong trường hợp này công ty chúng tôi (công ty A) và Công ty B phải làm những thủ tục gì?

Trả lời: Trong trường hợp mua lại vẫn giữ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty cũ thì thực hiện thủ tục đổi tên trên Giấy chứng nhận MSMV. Trường hợp đã trả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải đăng ký MSMV mới.

Câu 6: Công ty chúng tôi đã được cấp mã số doanh nghiệp GS1 (GCP). Hiện nay chúng tôi ra thêm sản phẩm mới thì chúng tôi có phải thực hiện thủ tục gì không?

Trả lời: Khi đã được cấp mã số doanh nghiệp GS1 (GCP) thì doanh nghiệp có thể dùng mã GCP được cấp để ứng dụng và phân bổ mã số cho các sản phẩm của mình, cụ thể như sau:

Nếu doanh nghiệp đã được cấp mã GCP-10, doanh nghiệp được phân bổ mã số sản phẩm từ 00 đến 99;

Nếu doanh nghiệp đã được cấp mã GCP-9, doanh nghiệp được phân bổ mã số sản phẩm từ 000 đến 999;

Nếu doanh nghiệp đã được cấp mã GCP-8, doanh nghiệp được phân bổ mã số sản phẩm từ 0000 đến 9999.

Sau khi phân bổ, in MSMV trên bao bì sản phẩm và trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp cần thực hiện việc cập nhật thông tin sản phẩm mới lên hệ thống MSMV Quốc Gia (VNPC).

Trong trường hợp sử dụng hết quỹ số đã được cấp, doanh nghiệp cần đăng ký mã GCP mới.

Câu 7: Mã số địa điểm toàn cầu GLN là gì?

Trả lời: Mã GLN là mã số phân định duy nhất dùng để nhận dạng các “bên” hay các “địa điểm” trong chuỗi cung ứng. Một mã GLN có thể được sử dụng để nhận dạng một bên duy nhất hoặc một địa điểm duy nhất hoặc kết hợp cả hai.

Các “bên” có thể là:

Một pháp nhân: công ty, cơ quan chính phủ, bộ phận, hoặc tổ chức nào đứng trước pháp luật và có khả năng ký kết các thỏa thuận hoặc hợp đồng.

Một chức năng: phòng ban hoặc bộ phận của tổ chức được xác định dựa trên các nhiệm vụ cụ thể đang thực hiện.

Các “địa điểm” có thể là:

Một vị trí vật lý: địa điểm hữu hình có thể được biểu thị bằng địa chỉ, tọa độ hoặc phương tiện khác.

Một vị trí số: địa chỉ điện tử được sử dụng trong liên lạc giữa các hệ thống máy tính.

Câu 8: Nếu việc sử dụng MSMV để quản lý hàng hóa nội bộ thì có cần phải đăng ký hay không?

Trả lời: Nếu mã số chỉ sử dụng trong quản lý nội bộ lưu chuyển hàng hóa thì doanh nghiệp không cần phải đăng ký. Lưu ý: doanh nghiệp nên sử dụng các dãy mã số vốn được khuyến cáo sử dụng trong quản lý nội bộ (ví dụ đối với mã EAN-13 có thể sử dụng các dãy số đầu 020-029 hoặc 040-049 hoặc 200-299) hoặc các loại MSMV không thuộc hệ thống GS1.

Câu 9: Mã QR (QR Code) là gì?

Trả lời: Mã QR là một trong các loại mã vạch hai chiều, do một công ty của Nhật sáng chế. Do có nhiều ưu việt nên mã QR đã được tiêu chuẩn hóa thành tiêu chuẩn quốc tế (ISO/IEC 18004) để áp dụng chung trên toàn thế giới. Việt Nam đã công nhận ISO/IEC 18004 thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 7322) về loại mã này.

Các đặc tính của mã QR là:

Mã hóa được số lượng lớn thông tin;

Tiết kiệm diện tích;

Mã hóa được tất cả các loại ký tự (Trung Quốc, Nhật Bản …);

Chính xác và có khả năng sửa lỗi khi quét.

Mã QR được đọc bởi máy quét hình ảnh hai chiều hoặc hệ thống phân tích camera tự động (vision system).

Mã QR là hoàn toàn miễn phí, doanh nghiệp không cần phải đăng ký để sử dụng.

Câu 10: Công ty chúng tôi có xuất hàng đi một số nước Châu Âu, Úc. Bên nước ngoài yêu cầu hàng hóa phải có giấy kiểm tra chất lượng mã vạch (theo ISO/IEC 15415, 15416). Đó là giấy tờ gì? Cơ quan đơn vị nào có thể thực hiện được việc này ở Việt Nam?

Trả lời: Một số thị trường tại Châu Âu, Úc có yêu cầu ngoài chất lượng của sản phẩm thì bao bì sản phẩm cũng phải đạt chất lượng, trong đó bao gồm cả mã vạch in trên bao bì. Trong tiêu chuẩn GS1 có quy định cụ thể về việc này, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có quy định bắt buộc phải kiểm tra.

QUATEST 3 có cung cấp dịch vụ kiểm tra chất lượng mã vạch theo tiêu chuẩn GS1 (ISO/IEC 15415, 15416).