Thị trường đèn LED hiện nay khá đa dạng và đầy tiềm năng, được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa sử dụng, do đèn LED có nhiều ưu điểm như: hiệu suất phát sáng và tuổi thọ cao, kết cấu đèn chắc chắn, khởi động nhanh, tiết kiệm điện. Thị trường đầy tiềm năng này đã và đang bị trà trộn đèn LED kém chất lượng, khiến cho người tiêu dùng rất khó phân biệt. Đèn LED chất lượng kém sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường…
Tác hại từ đèn LED kém chất lượng
Ánh sáng xanh: Đèn LED kém chất lượng có thể phát ra lượng ánh sáng xanh quá mức cho phép, nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể, chu kỳ ngủ và các hoạt động tự nhiên khác của con người, đồng thời cũng có thể làm hỏng các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc, gây thoái hóa điểm vàng và làm giảm thị lực.
Hiệu ứng nhấp nháy: Đèn LED được cấp nguồn điện 1 chiều DC bởi bộ điều khiển đèn (Driver). Nếu bộ điều khiển đèn có chất lượng kém thì dòng điện 1 chiều cung cấp cho đèn sẽ không ổn định và gây ra hiện tượng nhấp nháy từ đèn. Sự nhấp nháy từ đèn LED làm ảnh hưởng đến thị lực của mắt, gây chóng mặt, mỏi mắt, đau đầu...
An toàn điện: Đèn LED là thiết bị điện nên nếu không được thiết kế và sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, nó có thể là nguồn gây ra các nguy cơ mất an toàn như điện giật, quá nhiệt…
Phát sinh nhiễu điện từ: Các bộ điều khiển đèn LED (Driver) thường là nguồn phát sinh nhiễu điện từ, nếu không được tích hợp mạch lọc nhiễu EMI thì sẽ gây ra nhiễu điện từ ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điện tử xung quanh nơi lắp đặt đèn.
Những loại đèn bắt buộc kiểm tra từ ngày 1/6
Từ các tác hại trên do đèn LED kém chất lượng đem lại đã được các chuyên gia cảnh báo, dẫn đến việc bắt buộc phải kiểm soát, kiểm tra chất lượng đối với đèn LED là cần thiết. Theo Quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 01/1/2020 sản phẩm đèn chiếu sáng LED phải thực hiện dán nhãn năng lượng theo lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng quy định tại Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Chính phủ. Và từ ngày 01/1/2021 sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED phải được chứng nhận phù hợp QCVN 19:2019/BKHCN, thực hiện công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy CR trước khi lưu thông trên thị trường.
Các loại đèn LED phải Chứng nhận Hợp quy bao gồm:
- Bóng đèn LED có ba-lát lắp liền dùng cho chiếu sáng thông dụng làm việc ở điện áp lớn hơn 50V;
- Bóng đèn LED 2 đầu được thiết kế thay thế bóng đèn huỳnh quang ống thẳng;
- Đèn điện LED thông dụng cố định;
- Đèn điện LED thông dụng di động.
Liên quan đến hoạt động Chứng nhận Hợp quy và Thử nghiệm đối với đèn LED, QUATEST 3 vừa được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định. Để biết chi tiết về các sản phẩm QUATEST 3 được thực hiện, Quý khách hàng xem tại đây.
Trương Văn Thạch