Mới đây, Trung tâm Đo lường và Hiệu chuẩn Quốc gia của Tổ chức Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) đã tổ chức Diễn đàn Đo lường quốc tế với chủ đề “Đo lường sức khỏe”, trùng với kỷ niệm Ngày quốc tế Đo lường của thế giới trong năm nay
Diễn đàn lần này có sự góp mặt của Giám đốc Văn phòng Cân đo Quốc tế (Director of the International Bureau of Weights and Measures) – Tiến sĩ Martin Molten, ông Anthony Donnellan - Giám đốc Văn phòng Đo lường pháp định quốc tế (the Director of the International Bureau of Legal Metrology).
Ông Graham Machin - đại diện Viện đo lường Quốc gia Vương quốc Anh và Tiến sĩ Muhammad AlAbd AlAali là trợ lý Bộ trưởng Y tế Ả Rập Xê Út và Phó tổng giám đốc điều hành cùng tham dự. Về lĩnh vực thiết bị và sản phẩm y tế tại Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm, Kỹ sư Ali Al-Dhalaan và Tổng giám đốc Trung tâm Đo lường và Hiệu chuẩn Quốc gia tại Ả Rập Xê Út – Tiến sỹ Ismail Al-Faleh.
Từ những tác động tiêu cực của đại dịch Corona đã phủ bóng đen lên các khía cạnh của cuộc sống, sức khỏe, kinh tế và xã hội, Thống đốc Tổ chức Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Ả Rập Xê Út, Tiến sĩ Saadbin Othman Al-Qasabi nhấn mạnh rằng đo lường đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực quốc gia và quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế. Ả Rập Xê Út nhấn mạnh sự hỗ trợ không giới hạn của Chính phủ về khoa học, nghiên cứu và đo lường sức khỏe để làm giảm tác động của đại dịch Covid-19 và đồng thời đảm bảo việc sử dụng các công cụ đo lường chính xác và đáng tin cậy.
Bộ trưởng Thương mại Ả Rập Xê Út - Tiến sĩ Majed Al-Qasabi nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của khoa học đo lường trong việc củng cố hệ thống chăm sóc y tế, Al-Kasabi giải thích rằng Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM) cung cấp các tiêu chuẩn đo lường và dịch vụ hiệu chuẩn trong lĩnh vực bức xạ cho các cơ quan đo lường quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, giúp đảm bảo độ chính xác trong chẩn đoán và hiệu quả trong việc điều trị cho khoảng 7 triệu bệnh nhân phải trị xạ hàng năm trên toàn thế giới.
Đồng thời, 33 triệu bệnh nhân được chẩn đoán bằng y học hạt nhân (là một chuyên ngành y tế sử dụng các đồng vị phóng xạ, hoặc các dược phẩm phóng xạ để chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu một số căn bệnh như cường giáp, ung thư tuyến giáp, u lympho, đau xương) và hơn 360 triệu bệnh nhân được chẩn đoán bằng tia X.
Diễn đàn Đo lường quốc tế 2021 với chủ đề “Đo lường sức khỏe”. Hình ảnh: Cổng thông tin Chính phủ Ả Rập Xê Út
Theo ông Anthony Donnellan - Giám đốc Văn phòng Đo lường pháp định quốc tế, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy rất nhiều tổ chức quốc tế trong đó có OIML tăng cường cấp độ không chỉ về tương tác trực tuyến mà còn là sự tham vấn cho các nguyên tắc mới để phòng, chống đại dịch trong đo lường: Đo lường hiệu chuẩn các thiết bị xét nghiệm Covid, kiểm tra và lắp ráp các máy thở... từ đó các viện đo lường quốc gia của mỗi nước thiết lập các hoạt động xét nghiệm như Canada, Trung Quốc, Mỹ, và Anh.
Ngoài ra, đại dịch cũng giúp các tổ chức quốc tế về đo lường nhận định được rằng đo lường cho sức khỏe là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu. Chủ đề về đo nhiệt độ cơ thể (body temperature measurement) và tầm soát cơn sốt (fever screening) cũng được đưa ra trong diễn đàn bởi nhiệt độ cơ thể cũng là một trong những dấu hiệu tầm soát cơn sốt để kết luận dấu hiệu nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới.
Ông Graham Machin từ Phòng thứ nghiệm vật lý quốc gia (NPL) đã có những tóm tắt chính trong diễn đàn về đo lường nói chung và tầm quan trọng của nhiệt kế. Ông phát biểu rằng đo lường đáng tin cậy là điều cần thiết trong nhiều cơ sở y tế bởi độ tin cậy của nhiệt kế đo thân nhiệt đã bị xói mòn do sự ra đời của rất nhiều thiết bị và cách chữa trị.
Cùng với việc nghiên cứu từ NPL và các tổ chức đo lường khác, ông Graham cũng đưa ra rằng trong các loại nhiệt kế không tiếp xúc (nhiệt kế trán, ảnh nhiệt, nhiệt kế tai) thì nhiệt kế đo qua tai nói chung là đáng tin cậy, được cung cấp để sử dụng theo hướng dẫn và được kiểm tra thường xuyên trong khi đó nhiệt kế đo trán có vẻ không phù hợp để thực hiện tầm soát sốt cơ các cơ sở y tế công cộng.
Vì vậy, việc cải thiện độ tin cậy cho nhiệt kế là cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch trong tương lai, đồng thời kết quả sức khỏe của bệnh nhân cũng được nhất quán qua các cơ sở chăm sóc sức khỏe để có phác đồ điệu trị hiệu quả nhất cho người bệnh nhằm giảm khả năng “tử vong có thể tránh được” (avoidable deaths).
Bên cạnh đó, các khóa học đào tạo trực tuyến (online training) và nền tảng học trực tuyến (e-learning platform) cũng được OIML và các tổ chức đo lường quốc tế áp dụng trong bối cảnh đại dịch, cung cấp kiến thức về đo lường pháp định, đo lường khoa học, đo lường công nghiệp, hiệu chuẩn và xác minh, qua đó để người học hình dung được tầm quan trọng của đo lường trong đời sống, đặc biệt là khía cạnh sức khỏe.
Phần cuối diễn đàn, Tổng giám đốc Trung tâm Đo lường và Hiệu chuẩn Quốc gia tại Ả Rập Xê Út – Tiến sỹ Ismail Al-Faleh trình bày về vai trò của đo lường trong y học. Các phép đo lường trong y học là một phần quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của con người, và chúng có vai trò không thể thiếu trong việc phòng tránh dịch bệnh, phát hiện triệu chứng, chăm sóc y tế. Vì vậy, tầm quan trọng của các quyết định đo lường và đánh giá sự phù hợp trong việc hỗ trợ y tế ngày càng thu hút sự quan tâm.
Sự tin cậy của các dụng cụ đo lường vì việc tăng cường sử dụng vi điện tử (Microelectronics) đã dẫn đến tỷ lệ chính xác cao hơn trong dụng cụ đo lường. Các kỹ thuật đo ngày nay phải đáp ứng nhu cầu về độ chính xác, tính linh hoạt và tốc độ ngày càng cao. Vì vậy, đo lường trở nên quan trọng hơn khi công nghệ nano, công nghệ vi mô tiến bộ, vì các hoạt động đo lường đòi hiệu suất ngày một cao hơn.
Ngoài ra, đo lường cũng làm giảm số lượng sự bác bỏ và nhu cầu về việc kiểm tra lại (retesting) bằng các kỹ thuật kiểm soát chất lượng thống kê. Điều này đồng nghĩa rằng các chuyên gia y tế sẽ tiết kiệm thời gian tốt nhất có thể để thực hiện xét nghiệm và nhận những kết quả đáng tin cậy, đồng thời làm giảm chi phí cho việc làm lại (reworking) để tăng năng suất bệnh viện và phát hiện triệu chứng nhanh hơn.
Bên cạnh đó, thông qua việc xác định đúng liều lượng và tính toán bức xạ, đo lường đóng góp đáng kể vào sự an toàn của con người. Các quy trình và phương pháp chăm sóc sức khỏe sẽ bị tê liệt nếu không có các phương pháp đo lường. Tiến sỹ Ismail cũng nhấn mạnh rằng đo lường ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe và đảm bảo sự chính xác cũng như giá trị của các kết quả kiểm tra y tế để đạt được dữ liệu hoàn hảo cho việc chẩn đoán an toàn nhất.
Kết thúc diễn đàn đo lường quốc tế 2021, đại diện Ả Rập Xê Út cũng bày tỏ quan điểm tầm nhìn 2030: Thúc đẩy sự phát triển về công nghiệp bởi đo lường hỗ trợ rất lớn cho công nghiệp và có vai trò to lớn trong thúc đẩy các ngành công nghiệp mới cũng như đại diện cho công cụ phục vụ những đổi mới sáng tạo của Ả Rập Xê Út.
Toàn bộ nội dung chi tiết của Diễn đàn Đo lường quốc tế 2021 được Tổ chức Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Ả Rập Xê Út (SASO) đăng tải trên kênh Youtube chính thức của tổ chức: https://www.youtube.com/watch?v=i0RB60TOXkw.
Nguồn: Vietq.vn