Ngày nay, tùy thuộc vào yêu cầu sai số cho phép về quan trắc trong công trình, các loại thiết bị trắc địa như máy toàn đạc, máy kinh vĩ, máy thủy bình được chọn để đo đạc với độ chính xác trung bình hay độ chính xác cao, giúp giải quyết công việc trắc địa nhanh chóng, hiệu quả và chính xác. Vì thế, việc kiểm tra tình trạng và độ chính xác của máy trắc địa hay việc hiệu chuẩn máy trắc địa là điều tất yếu, cần được thực hiện trước khi sử dụng trong các công trình xây dựng.
Theo đó, Trung tâm Kỹ thuật 3 đã tích cực nghiên cứu phương pháp, tiêu chuẩn, tài liệu liên quan đến lĩnh vực kiểm tra thiết bị trắc địa, lên phương án chọn cấu hình cho thiết bị chuẩn và xây dựng hệ trụ chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 17123. Đến nay, dự án trang thiết bị và hệ trụ chuẩn đã hoàn tất , năng lực hiệu chuẩn của Trung tâm về thiết bị đo đạc trắc địa đã được mở rộng, đảm bảo các máy móc sử dụng trong công trình như toàn đạc, kinh vĩ, thủy bình sẽ được kiểm tra một cách kịp thời, chính xác và tin cây.
Điều đáng chú ý là máy trắc địa thường được sử dụng ở ngoài trời với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió,.. luôn biến động. Cho nên thực hiện hiệu chuẩn máy trắc địa phải đi đôi với việc xác định thông số Độ chụm (hay theo cách gọi khác trong xây dựng là Sai số trung phương), phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 17123. Với lý do này, Trung tâm Kỹ thuật 3 đã trang bị hệ thiết bị chuẩn đồng bộ của hãng sản xuất nổi tiếng Leica, Thụy sỹ có độ ổn định và chính xác cao.
Hệ thống thiết bị hiệu chuẩn máy trắc địa bao gồm:
- Hệ trực chuẩn: tạo 5 hướng trên mặt phẳng nằm ngang và 4 hướng trên mặt phẳng thẳng đứng để kiểm góc (xem hình 1).
Hình 1. Hệ trực chuẩn kiểm góc đứng và góc bằng của máy kinh vĩ, máy toàn đạc
- Đường chuẩn: là hệ trụ gồm 7 trụ bê tông cứng vững trên chiều dài 130 m, tạo các khoảng cách chuẩn theo thiết kế Herrbrugg.
Hình 2: Đường chuẩn (hệ trụ chuẩn)
Hình 3: Hệ trụ chuẩn trên khuôn viên của Khu Thí nghiệm Biên Hòa
- Máy toàn đạc chuẩn thuộc dòng máy hiện đại nhất của Leica có độ chính xác đo cạnh là ±(0,6 mm + 1 ppm.D) & và đo góc là ±0,5” .
- Máy thủy bình chuẩn có chức năng tự động điều quang, có camera kỹ thuật số chỉnh nét tự động với độ chính xác cao là ± 0,2 mm trên 1 km đo đi đo về.
Phương pháp hiệu chuẩn
Khi thực hiện hiệu chuẩn máy toàn đạc về phép đo khoảng cách, máy toàn đạc và gương lăng kính được lắp đặt cố định trên hệ trụ chuẩn bằng các chân đế, bộ nối có độ định tâm cao để đo chính xác 21 khoảng cách và tính toán độ chụm theo tiêu chuẩn ISO 17123-4 (Xem hình 5).
Hình 5: Sơ đồ kiểm tra khoảng cách của máy toàn đạc
Khi thực hiện hiệu chuẩn máy kinh vĩ hoặc máy toàn đạc về phép đo góc, máy kinh vĩ hoặc máy toàn đạc được đặt trên hệ trực chuẩn để tiến hành 3 loạt đo góc đứng và đo góc bằng, đối với mỗi loạt đo, thực hiện đo góc theo 4 hướng đứng & 5 hướng ngang, ở 2 vị trí thuận kính và đảo kính và tính toán độ chụm theo tiêu chuẩn ISO 17123-3 (xem hình 6).
Hình 6: Sơ đồ kiểm tra góc của máy kinh vĩ hoặc toàn đạc
Khi thực hiện hiệu chuẩn máy thủy bình về phép đo chênh cao, máy thủy bình được đặt trên gá 3 chân để tiến hành 40 cặp đo đi đo về giữa 2 điểm mốc A & B và tính toán độ chụm theo tiêu chuẩn ISO 17123-2 (xem hình 7).
Hình 7: Sơ đồ kiểm tra độ trên cao của máy thủy bình
Bằng các phương pháp trên, với đội ngũ hiệu chuẩn viên có kinh nghiệm chuyên sâu về đo lường và kỹ năng tay nghề cao, cùng các phương tiện chuẩn hiện đại, chính xác Trung tâm Kỹ thuật 3 chắc chắn sẽ cung cấp kết quả hiệu chuẩn thiết bị trắc địa có đầy đủ nội dung phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 17123 với độ tin cậy cao, đảm bảo quý khách hàng yên tâm sử dụng số liệu đo trên máy khi đo đạc ở các công trình xây dựng.
Huỳnh Thị Thu Vân