Hội thảo “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia trong lĩnh vực chất chuẩn và sản xuất chất chuẩn” là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN (ARISE Plus) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) tổ chức đã diễn ra ngày 8/12, tại TP.HCM.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về hạ tầng chất lượng quốc gia, các đơn vị trực thuộc Tổng cục TĐC, các viện kiểm nghiệm, các Trung tâm kỹ thuật tại TP.HCM và đại diện ban quản lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm.
Đại diện Tổng tục TĐC, ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục TĐC đã khai mạc hội thảo. Ông Giàu đồng thời có bài trình bày về “Phát triển hạ tầng quốc gia trong lĩnh vực chất chuẩn và sản xuất chất chuẩn: Định hướng và giải pháp” tại Hội thảo.
Ông Trần Quý Giàu
Tại đây, ông Giầu đã đặc biệt nhấn mạnh về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), chất chuẩn (Certified Reference Material – CRM) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đo lường, đánh giá sự phù hợp và tham gia sâu rộng vào hoạt động của nền kinh tế từ nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, y tế và bảo vệ môi trường. Hiểu được vai trò quan trọng này, các nước phát triển đã đầu tư và sản xuất được nhiều loại chất chuẩn, đa số về môi trường và thực phẩm.
Ông Giàu cho biết, tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo trong phát triển hạ tầng đo lường quốc gia hướng đến đáp ứng hoạt động đo lường chính xác của doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn cần có định hướng tổng thể cho hạ tầng chất lượng quốc gia để Việt Nam có thể sản xuất chất chuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng thời hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Bà Nguyễn Hồng Thảo
Ngoài các trình bày của ông Trần Quý Giàu, GS. TS. Kostas Athanasiadis chuyên gia của dự án về lĩnh vực QI, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Đo lường Hóa lý – Mẫu chuẩn, Viện Đo lường Việt Nam còn có bài trình bày của bà Nguyễn Hồng Thảo - Phụ trách phòng Nghiên cứu & Đảm bảo chất lượng thuộc Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 đã trình bày về “Ứng dụng chất chuẩn trong kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quan trắc môi trường, an toàn thực phẩm”.
Bà Thảo đã làm rõ hơn về định nghĩa, yêu cầu đối với chất chuẩn; vai trò của chất chuẩn trong kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm là đảm bảo tính thống nhất, độ chính xác và tính tin cậy của tất cả các phép đo, trong đó có các nội dung cơ bản gồm:
- Đảm bảo tính liên kết chuẩn cần thiết trong đo lường trên phạm vi quốc gia và quốc tế
- Kiểm tra và xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp, phê duyệt phương pháp
- Kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị
- Đảm bảo chất lượng thử nghiệm và đo lường thông qua mẫu kiểm soát chất lượng và đánh giá năng lực thông qua các chương trình so sánh liên phòng, thử nghiệm thành thạo.
Song song đó, bà Thảo đã đề cập đến một số vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng chất chuẩn để phục vụ quan trắc môi trường và an toàn thực phẩm tại QUATEST 3.
Ở phiên thảo luận, các đơn vị kiểm nghiệm nêu các khó khăn hiện tại của chất chuẩn như: thời hạn sử dụng ngắn, nguồn nhập khó khăn với giá thành cao và tốn nhiều thời gian. Các đơn vị rất quan tâm về chương trình phát triển hạ tầng quốc gia đặc biệt là công tác sản xuất chất chuẩn tại Việt Nam. Theo đó, các diễn giả đã tập trung cùng thảo luận về tình hình hạ tầng chất lượng về chất chuẩn, sản xuất chất chuẩn và chia sẻ các kinh nghiệm từ chuyên gia Hà Lan. Chia sẻ của các chuyên gia đã đem đến rất nhiều thông tin bổ ích, thiết thực cho các đơn vị tham gia tại Hội thảo./.
Phòng Thông tin – Xúc tiến