Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ôtô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm: Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất; Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.
Trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây: Trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục.
Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: Nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; Biện pháp khắc phục; Số lượng ô tô phải triệu hồi; Kế hoạch triệu hồi phù hợp...
Chính phủ đã ban hành quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ôtô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu. Ảnh minh họa
Nghị định yêu cầu chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra
Cụ thể, thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu về việc tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và các yêu cầu bổ sung đối với chương trình triệu hồi (nếu có); yêu cầu người nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi; thông tin về ôtô bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử của Cơ quan Kiểm tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện triệu hồi của người nhập khẩu theo kế hoạch. Bên cạnh đó, Cơ quan Kiểm tra sẽ xem xét dừng thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các ôtô của cùng nhà sản xuất nếu người nhập khẩu cung cấp được bằng chứng nhà sản xuất đó không phối hợp để thực hiện kế hoạch triệu hồi.
Đối với ôtô thuộc diện triệu hồi mà chưa được Cơ quan Kiểm tra cấp Giấy Chứng nhận, Cơ quan Kiểm tra thông báo tới cơ quan hải quan nơi mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho phép người nhập khẩu tạm giải phóng hàng để người nhập khẩu thực hiện việc khắc phục các xe thuộc diện triệu hồi. Sau khi người nhập khẩu cung cấp danh sách các ôtô đã được khắc phục lỗi theo quy định của nhà sản xuất, Cơ quan Kiểm tra tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra, chứng nhận theo quy định.
Nghị định 60/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, áp dụng đối với ôtô kể từ ngày 1/8/2025.
Khánh Mai (t/h)