Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn
Theo Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025.
Lực lượng chức năng tại TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu thực phẩm tại một số chợ để kiểm tra các chất tồn dư
Mục tiêu kế hoạch phối hợp nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/ giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, bộ phận thường trực của Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã tổ chức thẩm định và cấp 96 giấy chứng nhận (cấp lại 70 giấy, cấp mới 26 giấy) cho 96 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh sản phẩm chuỗi, với sản lượng: Cấp mới: Thịt gà 6.256 tấn/năm; thịt heo 15.279 tấn/năm; Thịt bò 4.200 tấn/năm; Rau củ, quả 1.089 tấn/năm.
Đồng thời, cấp lại: Thịt gà 121 tấn/năm; Thịt heo 18.666 tấn/năm; Trứng gà 7.674.228 quả/năm; Thịt bò 931 tấn/năm; Rau củ, quả 26.744 tấn/năm; Thủy sản 1.642,35 tấn/năm.
Lũy kế từ khi triển khai Đề án đến nay, Ban Quản lý Đề án đã cấp giấy chứng nhận cho 424 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó, số cơ sở còn hạn là 300 cơ sở với sản lượng rau, trái cây: 266.753,1 tấn; thịt các loại: 545.490,8 tấn; thủy sản các loại: 21.745,35 tấn, trứng gia cầm: 1.930.935.852 quả và 50,1 triệu lít nước mắm.
Trong năm 2022, trên địa bàn Thành phố có 25 chợ truyền thống đăng ký tham gia xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Thành phố cũng đã cấp tổng cộng 14.437 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận và giải quyết 769 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 6 giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Tăng cường kiểm tra kinh doanh thực phẩm dịp cuối năm
Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra có trọng điểm theo chuyên đề Tết, Tháng hành động, Tết Trung thu và kiểm tra theo các chuyên đề nổi trội về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, các nhóm sản phẩm nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đảm bảo an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền 9.619.553.000 đồng, tịch thu/tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 02 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 01 cơ sở...
Đồng thời, thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội. Đến nay, đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chuyển Thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định.
Trong 9 tháng đầu năm, Thành phố đã tiến hành hậu kiểm tại chỗ 9.295 hồ sơ tự công bố, trong đó: đạt: 4.295 hồ sơ (tỷ lệ: 46,21%), có dấu hiệu vi phạm: 5.000 hồ sơ (tỷ lệ: 53,79%). Đối với các hồ sơ hậu kiểm không đạt, Thành phố đã có kế hoạch giám sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã tiến hành giám sát an toàn thực phẩm tại 13 lễ hội, sự kiện; 80 cơ sở bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; 194 cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn.
Thành phố đã thực hiện lấy tổng cộng 6.838 mẫu nhằm giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm với các loại hình nguy cơ cao như phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất bảo quản, kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm trong sản xuất, kinh doanh. Kết quả: 6.620 mẫu đạt (tỷ lệ 96,8%), 218 mẫu không đạt (tỷ lệ 3,2%).
Trong thời gian từ nay đến cuối, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tiếp tục duy trì xây dựng và triển khai các đề án, dự án đảm bảo an toàn thực phẩm; giám sát mối nguy và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm mới có hiệu lực đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng.
Nguồn: congthuong.vn