UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành “Kế hoạch tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với mục tiêu chung, phát triển hạ tầng đo lường Thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ và hài hòa với hạ tầng đo lường quốc gia, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Thành phố.
Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân liên quan; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn lao động và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu;
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường; Áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như hỗ trợ có hiệu quả công tác đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách và pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và xã hội về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.
Đến năm 2030, phát triển hạ tầng đo lường đồng bộ, thống nhất với hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia. Ảnh minh họa
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, phát triển hạ tầng đo lường Thành phố đồng bộ, thống nhất với hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoạt động sự nghiệp và dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Thành phố phải đủ năng lực kiểm định được tối thiểu 60% phương tiện đo thông dụng thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định trên địa bàn Thành phố; Phát triển được ít nhất 5 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp;
Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 2.200 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 5.000 lượt doanh nghiệp.
Đến năm 2030, phát triển hạ tầng đo lường Thành phố đồng bộ, thống nhất với hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoạt động sự nghiệp và dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Thành phố phải đủ năng lực kiểm định được tối thiểu 70% phương tiện đo thông dụng thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định trên địa bàn Thành phố; Phát triển được ít nhất 10 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 4.000 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 10.000 lượt doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Phát triển hạ tầng đo lường Thành phố: Đầu tư bổ sung hệ thống chuẩn đo lường của Thành phố hiện đại, đồng bộ và hài hòa với hạ tầng đo lường quốc gia, đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường trong công nghiệp của các doanh nghiệp cũng như hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh; Duy trì hệ thống chuẩn đo lường của Thành phố, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết chuẩn đến hệ thống chuẩn đo lường quốc gia Việt Nam.
Triển khai công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về khoa học và công nghệ đo lường; nghiên cứu phát triển, thương mại hóa chuẩn đo lường, phương tiện đo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Bồi dưỡng huấn luyện các kiến thức cơ bản về đo lường học; quản lý nhà nước về đo lường; Hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025 - Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn; phương pháp đánh giá định lượng đối với lô hàng đóng gói sẵn; hiệu chuẩn các loại phương tiện đo thông dụng sử dụng trong công nghiệp và thương mại; đánh giá phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13187:2020 Phòng thí nghiệm đo lường - Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường;...Phân công thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường: Kịp thời rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức trong công tác quản lý hoạt động đo lường.
Triển khai công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp tại Thành phố và việc áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực; Phân công thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.
Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến và chuyển đổi số trong quá trình sản xuất theo quy định pháp luật hiện hành; Phân công thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Nguồn: vietq.vn