Việc hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối 100% hệ thống TXNG của các bộ, cơ quan liên quan thành công thì hành lang pháp lý sẽ được chuẩn hóa và các thành phần tham gia hoạt động TXNG đều phải thực thi nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Truy xuất nguồn gốc những năm gần đây đã từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lực, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Chia sẻ về hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, theo ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trước thực trạng dữ liệu truy xuất nguồn gốc (TXNG) không tập trung, mỗi doanh nghiệp cung cấp giải pháp lưu trữ cơ sở dữ liệu riêng nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia.
Bên cạnh đó, thông tin TXNG hiện không đáp ứng các nguyên tắc do không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng; không đủ phần tử dữ liệu chính và thông tin còn không chính xác. Chính vì vậy, ông Chính mong muốn công tác truyền thông làm tốt hơn nhằm phân biệt rõ ràng giữa mã vạch và TXNG.
Cũng theo ông Chính, TXNG là cả một hệ thống, cả một chuỗi còn mã số mã vạch chỉ là định danh, mã hóa trong từng quá trình. Hai hệ thống này hoàn toàn khác nhau.
Việc sử dụng mã số mã vạch in lên bao bì sản phẩm truyền thống đã được thực hiện hơn 20 năm nay, các doanh nghiệp và hợp tác xã đã làm. Còn TXNG là làm trên toàn chuỗi hình thành nên sản phẩm.
Mã số, mã vạch được cấp giống như cấp mã số cho điện thoại, tuân theo tiêu chuẩn toàn cầu. Hiện nay có 57 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã đăng ký sử dụng mã số mã vạch để in lên sản phẩm của mình.
Thông thường mức độ trung bình doanh nghiệp trả mã số mã vạch in lên sản phẩm từ 500-700 nghìn đồng. Các hộ đăng ký loại mã cấp nhỏ hơn thì mỗi một năm đóng 500 nghìn đồng. Khi doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm vào siêu thị, chi phí đó trong một năm là chi phí chấp nhận được.
Còn TXNG tuy cũng xuất phát từ các tiêu chuẩn quốc tế song trong quá trình xây dựng, Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị chủ trì và tham mưu phối hợp với các bộ ngành khác cùng xây dựng các hành lang pháp lý, các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang phối hợp hoặc để các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê bao hệ thống của mình trong việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu TXNG và hoạt động này có thể miễn phí hoặc thu phí.
“Doanh nghiệp, hộ dân đã sử dụng cơ sở dữ liệu TXNG và sử dụng rất phổ biến. Quan trọng là bây giờ phải kết nối tất cả các cơ sở dữ liệu đó, để đưa ra thông tin đầy đủ nhất, có sự giám sát của cơ quan thứ ba hoặc có sự giám sát lẫn nhau làm sao để sản phẩm đó chính xác nhất”, ông Chính nhấn mạnh.
Điều này mới có thể giúp các thông tin liên quan đến TXNG của sản phẩm đầy đủ nhất theo kịp tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, sản phẩm sẽ chủ động đáp ứng được yêu cầu thông tin TXNG từ các thị trường khác nhau một cách nhanh chóng.
Chính vì điều này, ngày 21/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2022/NĐ-CP, trong đó có bổ sung thêm quy định quản lý về TXNG sản phẩm, hàng hóa. Nghị định quy định Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về hoạt động TXNG sản phẩm, hàng hóa.
“Hiện nay hoạt động về truy xuất nguồn gốc đang rất phát triển và xây dựng từ rất nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, với mong muốn của Chính phủ cần thống nhất quản lý và phân vai các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia vào hoạt dộng quản lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia hoạt động ứng dụng và hỗ trợ nhà nước trong thực hiện quản lý, từ đó đưa ra hệ thống quản lý chuẩn hóa, minh bạch, phục vụ người dân.”, ông Chính chia sẻ
Mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về TXNG. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về TXNG.
Cùng với đó là đạt được tối thiểu 30% các doanh nghiệp sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối 100% hệ thống TXNG của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
“Hiện chưa có chế tài xử lý vi phạm về TXNG. Nếu việc hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối 100% hệ thống TXNG của các bộ, cơ quan liên quan thành công thì hành lang pháp lý sẽ được chuẩn hóa và các thành phần tham gia hoạt động TXNG đều phải thực thi nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”, ông Chính khẳng định.
Nguồn : vietq.vn