Bộ Y tế đang dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của 70 yếu tố hóa học tại nơi làm việc.
Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 70 yếu tố hóa học trong không khí nơi làm việc, bao gồm: Acrolein; Acrylamit; Acrylonitril; Amyl axetat; Anhydrit phtalic; Antimon; ANTU; Atphan; Axeton xyanohydrin; Axetonitril; Acid formic; Acid methacrylic; Acid nitric; Acid phosphoric; Acid picric; Acid trichloacetic; Azinpho methyl; Bạc và các hợp chất; Benomyl; Benzidin; Benzoyl peroxide; Benzyl chlorua; Beryli và các hợp chất; Brom; 1,3-butadien; Butylaxetat; Butylacrylat; Carbonfuran; Calci cacbonat; Calci hydroxide; Calci oxide;
Calci silicat; Calci sulfat dihydrat; Calci cyanamid; Caprolactam (khói); Captan; Carbaryl; Catechol; Chì tetraethyl; Chì và các hợp chất; Chloraxetaldehyt; Chlor dioxide; Chloraxetophenon; Chlorbenzen; Chlorpren; Cresol; Crotonaldehyt; Cumen; Dầu khoáng (sương mù); Dầu mỏ (napthas); Dầu thông; Dầu thực vật (dạng sương); Dung môi stoddard; Đá talc, hoạt thạch (bụi hô hấp); Đá talc, hoạt thạch (chứa ít hơn 1% quartz); Demeton; Diazinon; Diboran; Dibutyl phthalat; 1,1-Dichlor ethan; 1,1-Dichlor ethylen; Dichlorvos; Dicrotophos; Dimethylamin; Dimethylformamide; 1,1-Dimethylhydrazin; Dimethyl sulfat; Đinitrotoluen (DNT); Dinitrobenzen.
Quy chuẩn này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường lao động; các cơ quan, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động; các tổ chức, cá nhân có các hoạt động phát sinh các hóa chất trong không khí nơi làm việc.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện quy chuẩn này. Trong trường hợp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, văn bản pháp quy được viện dẫn trong quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định tại văn bản mới.
Trong dự thảo này, Bộ Y tế cũng nêu rõ sự cần thiết phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Acrolein, Benzoyl peroxit, chì và các hợp chất. Đối với Acrolein, Acrolein có tên danh pháp theo IUPAC là 2-propenal, là aldehyde không no đơn giản nhất. Đây là chất lỏng không màu với mùi hôi thối, đục. Công thức hóa học: CH2CHCHO. Tên khác: acraldehyde; acrylic aldehyde; allyl aldehyde; ethylene aldehyde; acrylaldehyde.
Acrolein được sản xuất công nghiệp từ propylen và chủ yếu được sử dụng như một chất diệt khuẩn và nguyên liệu để sản xuất các hợp chất hóa học khác. Acrolein chủ yếu được sử dụng như một chất diệt cỏ để kiểm soát cỏ dại, cũng như tảo trong các kênh tưới tiêu. Trong ngành công nghiệp dầu khí, nó được sử dụng như là một chất diệt khuẩn trong các vùng nước khoan, cũng như là một chất khử mùi hydro sulfide và thiol.
Một số hợp chất hữu ích được làm từ acrolein. Amino acid methionin được sản xuất bằng cách thêm metanethiol. Acrolein ngưng tụ với axetaldehyde và các amin để tạo ra metylpyridin. Nó cũng là một chất trung gian trong tổng hợp Skraup của quinolines. Acrolein được sử dụng như một chất cố định để chuẩn bị mẫu vật sinh học cho kính hiển vi điện tử.
Acrolein là chất có tính độc hại, là chất kích thích mạnh đối với da, mắt và mũi, là chất có thể gây ung thư. Để phòng ngừa các tác động của nghề nghiệp đối với acrolein, Cục Quản lý An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp Hoa Kỳ đã đặt ra giới hạn cho phép tiếp xúc ở 0,1 ppm (0,25mg/m3) ở trung bình theo thời gian 8 tiếng. Acrolein hoạt động theo cách ức chế miễn dịch và có thể thúc đẩy tế bào quy định, do đó ngăn ngừa sự hình thành dị ứng, nhưng cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Acrolein có trong khói thuốc lá, có nguy cơ gây ung thư phổi.
Các nước trên thế giới đều đã xây dựng giá trị giới hạn tối đa cho phép của acrolein trong không khí nơi làm việc. Tại Việt Nam, đã có quy định về giới hạn cho phép Acrolein tại nơi làm việc tại QĐ số 3733/2002/BYT. Tuy nhiên đây mới là Tiêu chuẩn ngành của Bộ Y tế. Các quy định chưa cụ thể và chưa cập nhật, chưa có quy định về phương pháp xác định.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở Việt Nam, cần xây dựng quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy định về giới hạn tiếp xúc cho phép với acrolein tại nơi làm việc, cập nhật và hòa nhập với quốc tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.
Ảnh minh hoạ
Đối với Benzoyl peroxit, đây là một dạng bột kết tinh không mùi, màu trắng hoặc không màu. Khối lượng phân tử = 242,24; nhiệt độ nóng chảy = 103-105ºC (có thể gây nổ phân hủy khi đun nóng); Điểm chớp cháy = 80ºC; Áp suất hóa hơi = 1 mmHg ở 20ºC. Khả năng hòa tan kém trong nước; Nhiệt độ tự đốt cháy = 80ºC. Nhận dạng mối nguy (dựa trên Hệ thống đánh giá NFPA-704 M): Sức khỏe - 2, Tính dễ cháy - 4, Khả năng phản ứng - 3 (chất oxy hóa).
Tiếp xúc trong thời gian ngắn có thể gây kích ứng mắt, da và đường hô hấp. Hít phải: 1,3 mg / m3 có thể gây kích ứng mũi họng; 12 mg / m3 có thể gây kích ứng phổi, thở khò khè như hen suyễn, giảm nhịp tim và nhiệt độ, khó thở và sững sờ. Da: dung dịch 5% lưu lại trên da trong 12 giờ gây mẩn đỏ, sưng tấy và bỏng rát. Dung dịch 5% lưu lại trên da trong 48 giờ có thể gây kích ứng nghiêm trọng. Dung dịch lớn hơn 20% để lại trong hơn một vài phút gây kích ứng nghiêm trọng.
Mắt: 2,6 mg/m3 đã gây kích ứng. Nuốt phải: có rất ít nghiên cứu về việc nuốt phải của con người. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều lượng gây chết người đối với con người là khoảng 3/4 pound. LD50 =(chuột uống) 7710 mg / kg. Tiếp xúc lâu dài có thể gây mẫn cảm cho da; phản ứng dị ứng có thể phát triển. Có thể gây kích ứng phổi và viêm phế quản kèm theo ho, có đờm và / hoặc khó thở.
Các nước trên thế giới đều đã xây dựng giá trị giới hạn tối đa cho phép của benzoyl peroxit trong không khí nơi làm việc. Tại Việt Nam, đã có quy định về giới hạn cho phép benzoyl peroxit tại nơi làm việc tại QĐ số 3733/2002/BYT. Tuy nhiên đây mới là tiêu chuẩn ngành của Bộ Y tế. Các quy định chưa cụ thể và chưa cập nhật, chưa có quy định về phương pháp xác định.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở Việt Nam, cần xây dựng quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy định về giới hạn tiếp xúc cho phép với benzoyl peroxit tại nơi làm việc, cập nhật và hòa nhập với quốc tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.
Đối với chì và các hợp chất, chì có tên danh pháp theo IUPAC là Lead. Là chất dạng bột hoặc cục, mềm, có màu xám, không mùi. Công thức hóa học: Pb. Tên khác: Lead metal, lead element, lead flake, plumbumlead. Chì là một kim loại mềm, nặng và có thể tạo hình. Chì có màu trắng xanh khi mới cắt nhưng bắt đầu xỉn màu thành xám khi tiếp xúc với không khí. Chì kim loại có tồn tại trong tự nhiên nhưng ít gặp.
Chì thường được tìm thấy ở dạng quặng cùng với kẽm, bạc, phổ biến nhất là với đồng, và được thu hồi cùng với các kim loại này. Khoáng chì chủ yếu là galena (PbS), trong đó chì chiếm 86,6% khối lượng. Các dạng khoáng chứa chì khác như cerussite (PbCO3) và anglesite (PbSO4). Chì là một kim loại quan trọng đối với nhiều loại hình kinh doanh và quy trình công nghiệp.
Chì là chất gây độc đối với động vật cũng như con người. Nó là chất độc thần kinh tích tụ trong mô mềm và trong xương gây tổn thương cho hệ thần kinh, tim mạch, thận, hệ miễn dịch đặc biệt là ở trẻ em và có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu.
Chì thường được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất nhưng phơi nhiễm chì cũng có thể xảy ra trong các lĩnh vực công nghiệp khác bao gồm xây dựng, vận tải, xử lý, kinh doanh và thậm chí cả giải trí. Người lao động tiếp xúc với chì trong quá trình loại bỏ, cải tạo hoặc phá dỡ các công trình được sơn bằng bột màu chì. Họ cũng có thể bị phơi nhiễm trong quá trình lắp đặt, bảo trì hoặc phá dỡ các đường ống và phụ kiện bằng chì, lót chì trong bể chứa và bảo vệ bức xạ, kính pha chì, công việc liên quan đến hàn và các công việc khác liên quan đến kim loại chì hoặc hợp kim của chì. Trong ngành công nghiệp nói chung, người lao động tiếp xúc với chì trong vật hàn, đồ đạc trong đường ống dẫn nước, pin sạc, đạn chì, thủy tinh pha chì, đồng thau hoặc đồ vật bằng đồng và bộ tản nhiệt. Phơi nhiễm chì có thể xảy ra không chỉ trong quá trình sản xuất các loại đồ vật này mà còn trong việc sử dụng, sửa chữa và tái chế chúng.
Trong cộng đồng dân cư, chì gây nguy hại mặc dù tồn tại ở nồng độ nhỏ trong thực phẩm, nước và không khí. Chì trong không khí có thể bị hít vào hoặc vô tình ăn uống phải khi nó lắng đọng trên thực phẩm, nước uống. Sau đó chì nhanh chóng được hấp thụ vào máu. Nhiễm độc chì do những đồ chơi sử dụng sơn có chứa chì là nguyên nhân chính làm tăng nồng độ chì trong máu ở trẻ em. Ngay cả mức độ chì thấp trong máu đã được chứng minh là có ảnh hưởng tiêu cực đến trí thông minh, khả năng chú ý và thành tích học tập của trẻ.
Mặc dù tác hại của nhiễm độc chì là vĩnh viễn, nhưng nếu phát hiện sớm, cha mẹ có thể Trẻ em dưới sáu tuổi có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến trí thông minh, khả năng chú ý và thành tích học tập ngay cả khi nồng độ chì trong máu rất thấp. Phụ nữ có thai hoặc những người có thể mang thai phải tránh tiếp xúc với chì vì nó gây độc cho thai nhi. Một nguồn tiếp xúc với chì khác trong môi trường là từ những người lao động mang bụi chì về nhà trên quần áo và giày dép của họ. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) phân loại chì và các hợp chất thuộc nhóm 2B, là chất (hoặc hỗn hợp) có thể gây ung thư cho người.
Các nước trên thế giới đa số đã xây dựng giá trị giới hạn tối đa cho phép của chì và các hợp chất trong không khí nơi làm việc. Tại Việt Nam, đã có quy định về giới hạn cho phép chì và các hợp chất tại nơi làm việc tại QĐ số 3733/2002/BYT. Tuy nhiên đây mới là Tiêu chuẩn ngành của Bộ Y tế. Các quy định chưa cụ thể và chưa cập nhật, chưa có quy định về phương pháp xác định.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở Việt Nam, cần xây dựng quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy định về giới hạn tiếp xúc cho phép với chì và các hợp chất tại nơi làm việc nhằm cập nhật và hòa nhập với quốc tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.