Nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường hằng năm gây ra nhiều hệ lụy khác đến hệ sinh thái, EN 15343 – tiêu chuẩn về khả năng truy xuất nguồn gốc nhựa tái chế do châu Âu ban hành, sau khi được Cơ quan công nhận quốc gia (ENAC) tại Tây Ban Nha công nhận về tính ứng dụng đã chính thức được có hiệu lực trên quốc tế.
Quy trình tái chế nhựa, đảm bảo một hệ sinh thái phát triển bền vững, giảm thiểu chất thải, bảo tồn tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang trở thành một trong những nội dung trọng tâm được nhiều quốc gia hướng đến. Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng EN 15343, tiêu chuẩn Châu Âu về khả năng truy xuất nguồn gốc tái chế nhựa và nội dung tái chế, đảm bảo rằng các nhà sản xuất và đóng gói nhựa đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về khả năng truy xuất nguồn gốc và tái chế. Đây thường là yếu tố chính trong việc tuân thủ quy định và có thể rất cần thiết để được giảm thuế đối với bao bì nhựa không tái sử dụng.
Được biết tiêu chuẩn EN 15343 sẽ đề cập đến những tiêu chí xác định hàm lượng nhựa tái chế, đo lường lượng % vật liệu nhựa tái chế có trong sản phẩm cuối cùng (áp dụng cho đơn vị tái chế (cơ khí), đơn vị chuyển đổi và đơn vị đóng gói).
Khả năng truy xuất nguồn gốc của nhựa tái chế, trong đó yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của vật liệu tái chế và cách thức xử lý (áp dụng cho người thu gom/phân loại).

Sau một thời gian áp dụng, nhiều doanh nghiệp đã nhận được nhiều lợi ích thiết thực từ EN 15343, cụ thể:
Thể hiện sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và tái chế để đáp ứng các yêu cầu pháp lý và quy định. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của EN 15343 là khả năng truy xuất nguồn gốc trong quá trình tái chế nhựa. Tiêu chuẩn này yêu cầu mọi bước trong chuỗi tái chế phải minh bạch và có thể theo dõi, từ việc thu gom nguyên liệu đầu vào cho đến sản xuất sản phẩm cuối cùng. Điều này không chỉ làm tăng độ tin cậy của sản phẩm nhựa tái chế mà còn giúp các công ty duy trì danh tiếng bền vững.
Tăng cường tính bền vững bằng cách giảm việc sử dụng nhựa dùng một lần và đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn bằng cách kết hợp vật liệu tái chế vào sản phẩm. Từ đó giúp doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo tuân thủ tốt về các quy định hướng đến sự bền vững. Nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ chính của Chỉ thị EU về nhựa dùng một lần. Hỗ trợ Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc và Chương trình nghị sự 2030 bằng cách thực hiện các hoạt động tái chế bền vững.
Ngoài ra, một doanh nghiệp khi đạt chứng nhận EN 15343 có thể đủ điều kiện giảm thuế bao bì nhựa khi áp dụng.
Có thể nói, tiêu chuẩn EN 15343 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ngành công nghiệp tái chế nhựa tại châu Âu, tạo nền tảng cho các phương thức quản lý bền vững và có trách nhiệm. Và giờ đây, khi được công nhận có hiệu lực trên quốc tế, việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất ngày càng cao, đây được xem là điều kiện tiên quyết của các doanh nghiệp đối với cam kết về nền kinh tế tuần hoàn.
Bảo Linh