Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12326-4:2025 quy định phương pháp thử để xác định khả năng chống suy giảm do các hóa chất nguy hiểm của vật liệu làm găng tay bảo vệ khi tiếp xúc liên tục. Khả năng chống suy giảm do hóa chất lỏng của vật liệu làm găng tay bảo vệ được xác định bằng cách đo sự thay đổi khả năng chống đâm thủng của vật liệu găng tay sau khi bề mặt bên ngoài tiếp xúc liên tục với hóa chất thử nghiệm.
Phép thử này có thể áp dụng cho găng tay làm bằng polyme tự nhiên hoặc tổng hợp. Găng tay có lót có thể tạo ra kết quả đo không sử dụng được.

TCVN 12326-4:2025 đối với găng tay bảo vệ chống hóa chất nguy hiểm và vi sinh vật. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, TCVN 12326-4:2025 quy định phương pháp thử khả năng chống đâm thủng như sau: Chọn ba chiếc găng tay để thử nghiệm. Điều hòa găng tay ở nhiệt độ (23 ± 2) °C, độ ẩm tương đối (50 ± 5) % trong ít nhất 24 giờ.
Trong trường hợp cấu tạo của găng tay không đồng đều hoặc phức tạp, phải thử mỗi mẫu ở từng vùng. Sử dụng dưỡng tròn 20 mm phù hợp, cắt 6 mẫu thử trên từng găng tay để có tổng số 18 mẫu thử. Đối với từng chiếc găng tay, 3 mẫu thử sẽ tiếp xúc với hóa chất thử và 3 mẫu thử sẽ không tiếp xúc.
Chọn các mẫu thử sao cho chúng đồng nhất và đại diện cho cấu tạo chính của găng tay. Tránh các vùng có hoa văn nổi hoặc các vùng có độ dày hoặc thành phần khác nhau khi cắt mẫu thử. Nếu găng tay được tạo thành từ nhiều lớp không dính kết với nhau thì chỉ thử lớp bảo vệ chống hóa chất.
Đối với găng tay có lót, nếu không thể tách lớp lót ra khỏi găng tay (và nếu lớp lót quá dày) thì thử nghiệm sẽ không khả thi vì không thể bịt kín lọ và mẫu sẽ trượt trong quá trình thử. Đối với một số mẫu, nếu có lớp lót dày thì không cần thiết phải sử dụng vách ngăn để bịt kín lọ đúng cách. Trong trường hợp này, đảm bảo lớp lót sẽ có khả năng chống rò rỉ.
Theo đó, phép thử phải được thực hiện ở (23 ± 2) °C (chuẩn bị, hóa chất, tiếp xúc với hóa chất, và thử nghiệm đâm thủng). Các phép đo trước khi thử: Cho hóa chất thử vào cốc có mỏ 150 ml. Sử dụng pipet chuyển, cho khoảng 2 ml hóa chất thử vào một trong các lọ có nắp đậy.
Đặt vách ngăn vào lọ có nắp đậy vòng đệm bằng nhôm, đường kính trong 20 mm. Sử dụng dưỡng cắt (12 ± 1) mm, tạo một lỗ ở chính giữa vách ngăn. Đặt mẫu găng tay lên trên vách ngăn với bề mặt ngoài của găng tay hướng vuông góc vào trong lọ. Đặt nắp nhôm có mẫu thử lên trên lọ. Đậy kín lọ bằng dụng cụ gấp mép bằng tay và lật ngược lọ để hóa chất thử tiếp xúc với mẫu thử.
Lặp lại cách tiến hành như trên cho từng mẫu trong số tám mẫu còn lại sẽ được phơi nhiễm. Tính thời gian cho thao tác này sao cho quá trình phơi nhiễm trên các mẫu tiếp theo cách nhau ba phút. Khi kết thúc thời gian phơi nhiễm một giờ (± 5 min), kiểm tra từng lọ thử nghiệm để xác nhận mức độ bao phủ hóa chất thử nghiệm trên mẫu thử. Nếu hóa chất không bao phủ mẫu thử, loại bỏ mẫu thử và lặp lại thử nghiệm bằng cách sử dụng lượng hóa chất thử nghiệm nhiều hơn.
Gắn chín mẫu chưa phơi nhiễm vào các lọ còn lại theo cách tương tự, ngoại trừ việc cho hóa chất vào lọ. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp thử đâm thủng như sau: Lắp đầu đo đâm thủng vào cảm biến lực của lực kế. Đặt tốc độ bàn trượt đến 100 mm/min và vặn chặt giá đỡ lọ vào bàn.
Đặt một lọ vào giá đỡ. Đâm thủng mẫu thử và ghi lại lực yêu cầu cực đại. Lặp lại thử nghiệm cho từng mẫu; thử từng mẫu thử được phơi nhiễm một giờ sau khi bắt đầu phơi nhiễm trên mẫu thử đó.
Mẫu thử phải được kiểm tra xem có bất kỳ thay đổi nào về tính chất vật lý trong và sau khi thử (sau khi làm khô). Bất kỳ thay đổi nào như phồng lên, co lại, hóa giòn, hóa cứng, hóa mềm, bong tróc, phân rã, thay đổi màu sắc/phai màu, tách lớp phải được ghi lại và mô tả trong báo cáo thử nghiệm để biết thông tin.
Đối với từng vật liệu làm găng tay bảo vệ được thử nghiệm, báo cáo phải bao gồm các thông tin sau: Tài liệu tham chiếu của nhà sản xuất về găng tay được thử bao gồm vật liệu, loại và số lô. Tên hóa chất thử, độ tinh khiết, nếu ở dạng hỗn hợp thì bao gồm nồng độ và các thành phần khác. Viện dẫn tiêu chuẩn này. Ngày thử nghiệm. Lớp lót, nếu có, đã được tách ra khỏi mẫu thử chưa. Mọi quan sát về sự thay đổi hình dáng bên ngoài của mẫu thử vật liệu sau khi phơi nhiễm hóa chất. Ví dụ về các quan sát được ghi là phồng lên, co lại, hóa giòn, hóa cứng, hóa mềm, bong tróc, phân rã, thay đổi màu sắc/phai màu và tách lớp. Mọi sai lệch so với tiêu chuẩn này phải được ghi lại.
An Nguyên