Thiết bị điện và điện tử là loại thiết bị được sử dụng rộng rãi trong dân dụng. Các thiết bị này đều ít nhiều có nguy cơ mất an toàn như điện giật, cháy nổ, gây thương tích do các bộ phận cơ khí hoặc phát ra khí độc, bức xạ nguy hiểm nên hầu hết các nước đã đưa loại thiết bị này vào danh sách hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn và quản lý thông qua các quy định pháp luật để đảm bảo không gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
Được sự phê duyệt của lãnh đạo Bộ KH-CN và Tổng cục TĐC, nhóm biên soạn của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) đã chuẩn bị dự thảo QCVN mới theo hướng sửa đổi QCVN 4:2009/BKHCN và tích hợp với QCVN 9:2012/BKHCN với mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế đồng thời hài hoà lợi ích của các đơn vị sản xuất cũng như các bên liên quan.
Ông Trương Thanh Sơn, PGĐ QUATEST 3 khai mạc Hội thảo tổ chức tại TP.HCM
Ông Trương Thanh Sơn, Phó Giám đốc QUATEST 3 cho biết “Thiết bị điện và điện tử là loại thiết bị được sử dụng rộng rãi trong dân dụng. Các thiết bị này đều ít nhiều có nguy cơ mất an toàn như điện giật, cháy nổ, gây thương tích do các bộ phận cơ khí hoặc phát ra khí độc, bức xạ nguy hiểm nên hầu hết các nước đã đưa loại thiết bị này vào danh sách hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn và quản lý thông qua các quy định pháp luật để đảm bảo không gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, từ năm 2009, 13 loại sản phẩm điện – điện tử đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào quản lý theo Quy chuẩn QCVN 4:2009/BKHCN & SĐ1:2016, đến năm 2012 thiết bị điện – điện tử gia dụng còn được quản lý theo QCVN 9:2012/BKHCN & SĐ1:2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về tương thích điện từ, ngoài ra còn có một số thiết bị điện, điện tử khác được quản lý theo các quy định của các bộ khác như dụng cụ điện cầm tay, máy thu hình, máy tính, máy in, máy photocopy, động cơ điện… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định này đã phát sinh một số bất cập do có một số công việc chưa được hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến việc thực hiện chưa thống nhất giữa các đơn vị chứng nhận, thí dụ như quy định về hồ sơ ghi nhận trong quá trình chứng nhận, quy định về chụp ảnh thiết bị, quy định về nhóm sản phẩm (Family range) để giảm chi phí cho DN và cách thức xem xét để thừa nhận kết quả thử nghiệm từ nước ngoài”
Ông Trương Văn Thạch, Phụ trách phòng Nghiệp vụ 5 (Giám định Điện, Điện tử và Viễn thông) đại diện Nhóm biên soạn QCVN trình bày sự cần thiết của Quy chuẩn
Ông Sơn chia sẻ, “để thực hiện nhiệm vụ, nhóm biên soạn đã khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất, nhập khẩu và sử dụng thiết bị điện, điện tử dùng trong gia đình tại Việt Nam trong thời gian qua. Nhóm thu thập dữ liệu, phân tích quy định quản lý của các nước, khu vực trên thế giới đối với thiết bị điện, điện tử dùng trong gia đình và so sánh với các quy định hiện hành của Việt Nam; thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá về tình hình thực hiện quản lý thiết bị điện, điện tử dùng trong gia đình tại Việt Nam, đánh giá rủi ro của từng nhóm thiết bị điện gia dụng. Trên cơ sở đó, Nhóm lựa chọn phương thức chứng nhận phù hợp cho các sản phẩm thuộc danh mục dự kiến. Nhóm biên soạn cũng đã khảo sát năng lực hiện có của các phòng thử nghiệm trong nước, chi phí thử nghiệm và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để đảm bảo tính khả thi của QCVN khi đưa vào áp dụng đồng thời đã thực hiện việc đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc áp dụng Quy chuẩn đối với sản xuất và kinh doanh theo quy định"
Đại diện doanh nghiệp góp ý cho Dự thảo QCVN
Hiện nay, dự thảo QCVN đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH-CN (https://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=795 ) để góp ý rộng rãi theo các quy định hiện hành. Hội thảo cũng đã được tổ chức tại Hà Nội để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo từ các đơn vị phía Bắc. Và ngày 28.2, được sự cho phép của Bộ KH-CN và Tổng cục TĐC, QUATEST 3 tổ chức hội thảo lấy ý kiến các đơn vị, doanh nghiệp phía Nam. Đại diện các cơ quan quản lý, các đơn vị thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện, điện tử …, là những tổ chức liên quan đến QCVN mới này, trong đó phần đông là các doanh nghiệp sản xuất là những đối tượng chính sẽ chịu tác động khi 02 quy chuẩn kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng.
Buổi hội thảo tại phía Nam đã thu hút rất đông đại diện các doanh nghiệp điện, điện tử tham gia. Tại đây, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng đã đưa ra ý kiến góp ý cho Quy chuẩn.
QUATEST 3đã tiếp nhận các ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp và sẽ tổng hợp, chỉnh sửa dự thảo theo các ý kiến đã tiếp thu. Sau đó, QUATEST 3 sẽ trình lên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét và sớm ban hành đưa vào áp dụng.
Phòng Thông tin – Xúc tiến