
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Ngày 03/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá".
Góp ý Dự thảo Luật, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ: Kiểm soát chất lượng hàng hoá là nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ khách hàng và xã hội, đồng thời minh bạch hoá hoạt động sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khung pháp lý về Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã bộc lộ hạn chế, đòi hỏi phải được bổ sung, sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo ông Phạm Tấn Công, sau nhiều năm thi hành, Luật đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, cần được sửa đổi để khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hoá. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí vận hành.
Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng Ban Quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Bên cạnh đó, quá trình tổng kết, đánh giá sau 17 năm thực hiện cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển.
Về cơ bản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 như sau: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá vẫn giữ nguyên đối tượng áp dụng của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 như: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.
Theo bà Hương, nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhằm thể chế hóa thực hiện việc: Đổi mới xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thể chế hóa thực hiện ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thể chế hóa thực hiện phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; thể chế hóa thực hiện tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay... Đồng thời, đẩy mạnh quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã góp ý vào các vấn đề như: Nâng cao công tác quản lý hàng hóa, tạo cơ chế đột phá thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước trên thế giới; bổ sung thêm khái niệm về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa...
Về giải pháp để hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu sang các nước khác, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASAEP) đề xuất, Ban soạn thảo Dự thảo Luật cần đảm bảo mục tiêu quản lý hàng hóa của cơ quan quản lý Nhà nước; đưa ra các quy định từ tiền kiểm đến hậu kiểm đối với doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
"Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", ông Nam cho hay.
Trước nội dung tham gia góp ý của các đại biểu tham dự và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế; đồng thời nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật hiện hành.
Những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, Hiệp hội sẽ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và VCCI tổng hợp, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp tới.
Thanh Hiền