Vật liệu nền polypropylen định hướng hai chiều (BOPP) (vật liệu nền polyme) được làm từ vật liệu polyme Biaxially-Oriented Polypropylene (BOPP), được in phủ, là vật liệu quan trọng, cần thiết phục vụ ngành in ấn cao cấp trên thế giới và Việt Nam. So với giấy truyền thống làm từ bột giấy, vật liệu nền polyme có những đặc tính ưu việt như độ bền cao, khả năng chống nước, chống rách và chống dầu. Bên cạnh đó, vật liệu nền polyme cũng có khả năng chịu được nhiệt độ cao và hóa chất, phù hợp cho nhiều ứng dụng đặc biệt. Một số ứng dụng phổ biến của vật liệu nền polyme như:
- In ấn: vật liệu nền polyme được sử dụng để in ấn các sản phẩm yêu cầu độ bền cao, cao cấp như thẻ nhựa, thẻ từ, nhãn mác, giấy tờ quan trọng,…
- Sản xuất sách/ảnh: vật liệu nền polyme được sử dụng để sản xuất sách/ảnh chống nước, ví dụ sách dành cho trẻ em hay sách dành cho người học bơi,...
- Chíp từ trong các linh kiện điện tử,...
Vật liệu nền polyme có kết cấu đồng nhất (không có cấu tạo sợi) nên độ bền cơ học cao hơn các loại vật liệu giấy sản xuất từ sợi xenlulô, bông hay lanh. Mặt khác, vật liệu nền polyme không thấm nước, được in phủ các lớp véc-ni bảo vệ nên sản phẩm sử dụng vật liệu này không hút ẩm, hút chất lỏng hay tạp chất khác trong quá trình sử dụng, do vậy có thể làm sạch bằng nước và lau nhẹ khi bị dính chất bẩn trên bề mặt. Đây là điều không thể thực hiện đối với vật liệu giấy bởi trong trường hợp tương tự, chất bẩn sẽ thẩm thấu sâu vào trong nền giấy và nhanh bị hư hỏng.
Hiện nay, công nghệ sản xuất và thị trường loại vật liệu này đang có các vấn đề đáng chú ý như sau:
Về công nghệ sản xuất: công nghệ sản xuất vật liệu nền polyme công nghệ cao phục vụ ngành in ấn cao cấp là công nghệ mới, tiên tiến đã được phổ biến trên thế giới.
Một công đoạn sản xuất vật liệu nền polyme - Công đoạn sản xuất màng ghép đa lớp.
Về thị trường: Thời gian qua, do nhu cầu sử dụng tăng cao nên thị trường vật liệu nền polyme đã có bước phát triển mạnh mẽ và không ngừng mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, trong vòng 20 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 10 % – 15%.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất, cung ứng loại vật liệu này có số lượng không nhiều và tập trung ở các nước Anh và Úc. Do đó, việc sản xuất và cung ứng bị kiểm soát giá thành và độc quyền về phân phối, công nghệ sản xuất. Vì vậy, các nước sử dụng mặt hàng này không có cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất, giá thành cao và phụ thuộc về thị trường, nhất là có thể đứt gãy nguồn cung khi có các biến động về chính trị, xã hội.
Đối với Việt Nam, đây là loại vật liệu quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong ngành in ấn cao cấp. Tuy nhiên, trước đây, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được loại vật liệu quan trọng này và đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ đối tác nước ngoài, do đó, phải mua với giá thành cao và luôn bị động trong sản xuất và kinh doanh.
Ngoài ra, tình trạng làm giả các loại bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu quan trọng đang trở thành vấn nạn hết sức phổ biến và gây nhức nhối trong xã hội. Hành vi làm giả và sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều tổ chức, cá nhân, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, tạo tâm lý lo lắng, bất an cho người dân và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, phòng chống, đấu tranh ngăn chặn. Tình trạng này còn tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các tiến bộ về kỹ thuật in, sao chụp với sự hỗ trợ của các loại máy tính thế hệ mới sẵn có trên thị trường đang làm cho nguy cơ làm giả các loại giấy tờ, tài liệu quan trọng luôn tiềm ẩn và có chiều hướng gia tăng. Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải không ngừng cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về chế tạo vật liệu bởi theo các chuyên gia chống giả, sử dụng vật liệu in mới là giải pháp quan trọng và có hiệu quả dài hạn.
Vật liệu nền polyme là vật liệu đáp ứng được những yêu cầu này, cho phép tạo ra các loại giấy tờ có khả năng chống giả cao, không bụi, bền và sạch hơn giấy truyền thống. Có thể nói đây là vật liệu thân thiện với môi trường.
Từ đó có thể thấy rằng, việc sản xuất ra một loại vật liệu tiên tiến, công nghệ cao sẽ giảm thiểu tối đa khả năng làm giả, phục vụ thị trường in ấn các tài liệu quan trọng là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách, cơ chế ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ cao thay thế hàng nhập, trong đó có vật liệu polymer công nghệ cao phục vụ ngành in cao cấp. Điều này cũng được thể hiện trong Quyết định 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển: Sản phẩm chính của nhiệm vụ thuộc mục 101: Vật liệu polymer tiên tiến và composite nền cao phân tử chất lượng cao sử dụng trong môi trường khắc nghiệt, bền với khí hậu nhiệt đới – Phụ lục II.
Ngoài ra, theo Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm vật liệu mới đáp ứng và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy khả năng sáng tạo và sản xuất trong nước, tiến tới hội nhập quốc tế là vô cùng cần thiết trong nền kinh tế xã hội nước ta hiện nay.
Hiện Việt Nam đã sản xuất được loại vật liệu tiến tiến này. Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ và nhu cầu sử dụng thực tiễn, sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vật liệu nền polyme phủ đa lớp công nghệ cao, phục vụ đắc lực cho ngành in ấn cao cấp của Việt Nam. Hiện đây là nhà máy duy nhất tại Việt Nam và là doanh nghiệp thứ 3 trên thế giới sản xuất loại vật liệu tiên tiến này.
Sản phẩm chính của nhà máy là màng polyme công nghệ cao, phủ đa lớp dùng làm vật liệu nền để sản xuất các tài liệu bảo an đòi hỏi độ bảo mật cao và sử dụng lâu dài như: thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ căn cước, tiền polymer,... Vật liệu này nước ta đang phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài thì việc nghiên cứu sản xuất được trong nước là bước đột phá lớn.
Sản phẩm với nhiều ưu điểm vượt trội như: tính bảo mật cao hơn, tính chất cơ học tốt hơn, cao hơn gấp nhiều, độ bền không bị thấm hút ẩm, không tạo bụi trong quá trình sản xuất, thời gian sử dụng cao hơn nên giảm thiểu chi phí sản xuất, tái sản xuất, tiêu hủy,... Có thể nói vật liệu polyme phủ đa lớp công nghệ cao ra đời đã tạo đột phá trong ngành công nghệ chế tạo vật liệu nói chung và ngành in nói riêng của Việt Nam.
Các chuyên gia ngành in tiền đang tìm hiểu quy trình sản xuất vật liệu nền polyme của nhà máy Q&T.
Từ các thực tế đó, trong nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2023, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã đề xuất, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Vật liệu nền polyme và năm 2024 Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 02 tiêu chuẩn quốc gia về vật liệu này:
1) TCVN 13986-1:2024, Vật liệu nền polypropylen định hướng hai chiều (BOPP) công nghệ cao – Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật;
2) TCVN 13986-2:2024, Vật liệu nền polypropylen định hướng hai chiều (BOPP) – Phần 2: Phương pháp thử;
Việc nghiên cứu, sản xuất vật liệu nền polyme mà song song với đó xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho vật liệu này có ý nghĩa quan trọng, giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước đồng thời là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước loại vật liệu tiên tiến này.
ThS. Đỗ Thị Thu Hiền - TS. Phùng Mạnh Trường (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam)