Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản quy định hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-190: 2020/BNNPTNT quy định hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn và quy định quản lý nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn truyền thống, thức ăn bổ sung, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc cho vật nuôi, trừ thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc cho vật nuôi). Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn truyền thống, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản được quy định cụ thể trong quy chuẩn theo từng loại nguyên liệu để sản xuất.
Đáng chú ý với nguyên liệu từ thủy sản như dầu, mỡ yêu cầu Asen tổng số (As) cho phép tối đa là 25,0 mg/kg; peroxid tối đa cho phép 40,0 meq/kg dầu...
Với các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật trên cạn như sữa và sản phẩm từ sữa chỉ số E.coli không có trong 1,0 g; Salmonella không có trong 25g; Các loại nguyên liệu khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn Asen tổng số (As) cho phép tôi đa 10,0 mg/kg; Chì (Pb) cho phép tối đa là 10,0 mg/kg ...
Trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản; hộ kinh doanh (sản xuất, mua bán, sơ chế) không phải công bố hợp quy đối với thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.
Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy được lựa chọn 01 trong 03 hình thức sau: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật; Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Nguồn: vietq.vn