Hệ thống văn bản quản lý về đo lường đã đáp ứng được nhu cầu quản lý hoạt động về đo lường trên địa bàn cả nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, thể hiện rõ được cả ba phạm vi của đo lường pháp định, đo lường khoa học và đo lường công nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Chất lượng Việt Nam Online (vietq.vn) đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hùng Điệp – Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL).
Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quản lý về đo lường khá đầy đủ với các Luật, Nghị định, Thông tư... Vậy, ông đánh giá như thế nào về hệ thống các văn bản QP về đo lường của nước ta hiện nay?
Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quản lý về đo lường khá đầy đủ gồm: 1 Luật; 4 Nghị định của Chính phủ; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 13 Thông tư và 01 QĐ của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, hơn 300 Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam
Theo đó, Luật Đo lường được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2012); Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường (có hiệu lực từ ngày 15/12/2012); Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 15/12/2017); Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa hoc và Công nghệ;
Quyết định 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8/2018 phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Mười ba Thông tư của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và một Quyết định của Bộ trưởng gồm: Thông tư số 14/2013/TT-BKHCN ngày 12/7/2013 quy định về đo lường đối với chuẩn đo lường quốc gia; Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường;
Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 hướng dẫn kiểm tra nhà nước về đo lường; Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn ; Thông tư 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/06/2017 Quy định về đo lường đối với phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ; Thông tư 06/2017/TT-BKHCN 25/05/2017 quy định định mức kinh tế - Kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục; Thông tư số 11/2018/TT-BKHCN ngày 06/8/2018 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục;
Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN ngày 15/6/2018 sửa đổi một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam; Quyết định của Bộ trưởng số 2284/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2018 về việc công bố Bảng mã HS đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường khi nhập khẩu.
Đã ban hành được 334 Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam được ban hành gồm các quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, các yêu cầu quản lý về đo lường…
Với hệ thống văn bản quản lý nêu trên, chúng ta có thể đánh giá như sau: Hệ thống văn bản quản lý về đo lường đã tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu quản lý hoạt động về đo lường trên địa bàn cả nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, thể hiện rõ được cả ba phạm vi của đo lường pháp định, đo lường khoa học và đo lường công nghiệp.
Hệ thống văn bản quản lý về đo lường duy trì, bảo đảm tính thống nhất, chính xác; minh bạch, khách quan, chính xác; công bằng giữa các bên trong mua bán, thanh toán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thuận lợi cho giao dịch thương mại trong nước và quốc tế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường; phù hợp với thông lệ quốc tế;
Tăng cường được hiệu lực của quản lý nhà nước về đo lường; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.
Một số kết quả chính đạt được trong thời gian qua: Đã xây dựng và quản lý đo lường, ngay từ năm 1950 ấn định một hệ đơn vị đo quốc gia trên cơ sở Hệ đơn vị đo quốc tế (tiếng Pháp là Système International d’Unités; tiếng Anh là The International System of Units, viết tắt là SI). Đơn vị đo này đã đảm bảo cho đo lường được thống nhất và chính xác trong phạm vi quốc gia và phù hợp với thông lệ quốc tế; Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo cũng đã được xác lập gồm chuẩn quốc gia và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn là chuẩn chính và chuẩn công tác. Đến nay, chúng ta đã có ba mươi mốt (31) chuẩn quốc gia được phê duyệt. Trên địa bàn các địa phương, gần 6.000 chuẩn chính, chuẩn công tác (70%) đã được trang bị, sử dụng tại các đơn vị sự nghiệp công lập và gần 2600 chuẩn công tác (30%) đã được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, trang bị để dùng trực tiếp kiểm định phương tiện đo. Tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã có các chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu kiểm tra, hiệu chuẩn, duy trì độ chính xác các phương tiện đo sử dụng tại cơ sở. Các chuẩn đo lường của địa phương, của cơ sở được liên kết với chuẩn quốc gia thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của các tổ chức được chỉ định hoặc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của các tổ chức được đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường đã được xây dựng và phát triển từ Trung ương đến địa phương.
Đã xây dựng và hình thành mạng lưới thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm 520 Tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và chỉ định tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường cho 420 tổ chức với hơn 4000 người được chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường.
Theo ông, hiện nay hệ thống pháp luật về đo lường còn điểm tồn tại hay hạn chế nào hay không (Nghị định số 86/2012/NĐ-CP)? Giải pháp nào để khắc phục những tồn tại và hạn chế này?
Như đã nói ở trên, hệ thống pháp luật về đo lường ở Việt Nam tương đối đầy đủ và đã phát huy tác động thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trước những thách thức và cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), sự hội nhập mạnh mẽ của toàn cầu và yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp, đòi hỏi hệ thống quản lý của mọi ngành nghề, lĩnh vực nói chung và về đo lường nói riêng không ngừng phải đổi mới, phải thích ứng, thay đổi phù hợp với thực tế hiện tại khách quan. Một trong những đổi mới đó là thay đổi căn bản về tư duy, cách thức quản lý từ yêu cầu sang phục vụ doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm,…
Ví dụ thực tế có thể nói đến như hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường tại cửa khẩu khi nhập khẩu phương tiện đo phải phê duyệt mẫu chẳng hạn. Trong quá trình triển khai hoạt động này, đã xuất hiện các khó khăn, bất cập sau:
Thời gian thử nghiệm mẫu để làm thủ tục phê duyệt mẫu thường kéo dài hơn 30 ngày, thậm chí có một số mặt hàng lên đến 60 - 90 ngày, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp;
Không đủ kho, bãi để lưu giữ phương tiện đo, hàng hóa chờ thủ tục thông quan;
Phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.Để giải quyết bất cập nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn theo hướng: chuyển việc kiểm tra nhà nước về đo lường đối về việc phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo nhóm 2 nhập khẩu được thực hiện sau thông quan (trước khi đưa vào sản xuất, lưu thông tại thị trường nội địa) nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý và tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để ban hành Nghị định sử đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thời gian tới dự thảo Nghị định sửa đổi được Chính phủ ban hành sẽ là điểm mới, thông thoáng hơn, cắt bỏ thủ tục kiểm tra nhà nước về đo lường đối phương phương tiện đo phải phê duyệt mẫu khi nhập khẩu để hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi các văn bản pháp luật về đo lường theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế đã được tiến hành ra sao, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, ngay từ những năm đầu sau khi nước Việt nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL ngày 20/1/1950 thống nhất đo lường nước ta theo Hệ Mét là hệ đơn vị đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới, đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ của ngành đo lường đối với hoạt động đo lường quốc tế.
Phát huy và kế tục những dấu mốc quan trọng nêu trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện của Việt Nam đã liên tiếp tham gia và có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong khuôn khổ của các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực chính.
Thứ nhất, công ước Mét (The Convention of the Metre) được hình thành với 17 nước tham gia ký kết vào ngày 20/5/1875 ở Hội nghị toàn thể Cân Đo quốc tế (General Conference on Weights and Measures - CGPM) tại Pari - Cộng hoà Pháp. Đây cũng là bước đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo lường đồng bộ trên toàn thế giới hệ Mét (Metric System), và nay là hệ đơn vị đo lường quốc tế SI; Ngày 10/10/2003, Việt Nam đã chính thức tham gia với tư cách là thành viên thông tấn của CGPM.
Thứ hai, tổ chức đo lường pháp định quốc tế -OIML (International Organization of Legal Metrology). Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 2004.
Thứ ba, diễn đàn đo lường pháp định Châu Á-Thái Bình Dương, APLMF (Asia- Pacific Legal Metrology Forum). Việt Nam là thành viên chính thức từ 01/9/1999.
Thứ tư, chương trình đo lường Châu Á Thái Bình Dương – APMP (Asia- Pacific Metrology Programme); Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1992.
Thứ năm, nhóm công tác về đo lường pháp định (Working Group of Legal Metrology) trong khuôn khổ của Uỷ ban tư vấn của ASEAN về Tiêu chuẩn và Chất lượng (ASEAN Consultative Committee on Standardization and Quality- ACCSQ); Việt Nam tham gia vào Nhóm công tác về đo lường pháp định từ năm 2000.
Thông qua việc tham gia và có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong khuôn khổ của các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực nêu trên, Việt Nam đã học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triền và hài hòa các văn bản quản lý về đo lường. Như vậy, có thể nói tổng quan là các văn bản quản lý về đo lường của Việt Nam đang hài hòa, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực.
Xin cảm ơn ông!