Bộ Công an đang yêu cầu công an địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành các quy định về PCCC. Đồng thời, phối hợp Bộ Xây dựng xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn PCCC đối với nhà ở.
Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị
Theo báo cáo, hiện nay tại TP.Hà Nội có hơn 1.500 chung cư, tập thể cũ không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Năm 2020, thành phố cũng công bố danh sách 79 chung cư mới được xây dựng vi phạm quy định về PCCC. Tại TP.HCM, Công an thành phố cũng điểm tên 315 doanh nghiệp, cơ sở, công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng. Trong đó không chỉ công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất vi phạm quy định về PCCC mà Trường mầm non cũng vi phạm.
Ngoài ra, tại đô thị lớn vẫn còn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, mỗi khi có cháy nổ xảy ra là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và môi trường sống của người dân. Những sự cố cháy, nổ đều gây ảnh hưởng đến môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài.
Phát biểu khai mạc tọa đàm trực tuyến “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị” vừa diễn ra, Nhà báo Nguyễn Văn Toàn, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, thời gian qua, tại một số đô thị lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM… vấn đề cháy nổ diễn ra hết sức phức tạp. Liên tiếp các vụ cháy nổ xảy ra tại chung cư cao tầng đến nhà tập thể, cơ sở sản xuất đã gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó các vụ cháy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân xung quanh. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra hàng chục vụ cháy nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ là do công tác phòng cháy, chữa cháy tại công trình cao tầng, đặc biệt là tòa chung cư hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó nổi bật là tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đảm bảo yêu cầu về an toàn, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu…
Nhà báo Nguyễn Văn Toàn, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống.
Đánh giá thực trạng công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ nói chung, cháy nổ tại khu vực đô thị nói riêng trong thời gian qua Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng, Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, tại các khu đô thị tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh, kéo theo đó dự án công trình, cơ sở mọc lên nhiều, nổi bật là các tòa nhà dịch vụ thương mại cao tầng và trong các khu dân cư có các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh diễn ra phổ biến. Trong công tác kiểm tra nắm bắt tình hình, các hộ gia đình, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, còn một số tồn tại bằng những lý do khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, còn tồn tại nhiều khu dân cư hiện hữu, mật độ dân cư rất lớn thường chưa đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảng cách an toàn giữa các nhà. Đặc biệt trong khu phố cổ thường ngõ nhỏ, phố nhỏ. Thứ hai, nhiều cơ sở hoạt động trong thời gian rất dài, hoạt động trước luật PCCC, các cơ sở chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng không đảm bảo quy định về an toàn PCCC. Thứ ba, nhà ở hộ gia đình, nhà ở sản xuất kinh doanh, cơ sở hoạt động trong các khu dân cư chưa đảm bảo quy định về an toàn PCCC.
Còn một nội dung nữa đó là về lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tuyến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về “4 tại chỗ”, đặc biệt là người dân chưa tích cực tham gia các hoạt động về PCCC, chưa nắm được các kiến thức, kỹ năng về PCCC. Điều này dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy nổ rất lúng túng. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong khi có cháy nổ xảy ra
Trong 1 năm qua, Bộ Công an chỉ đạo triển khai chuyên đề tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Qua một năm tổng kết cơ bản đã đạt một số kết quả nhất định, trong đó số vụ cháy đã giảm. Trong 12 tháng (15/4/ 2021-15/4/2022) số vụ cháy trong khu dân cư giảm 227 vụ, giảm 24,6%, khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ văn phòng giảm 119 vụ, giảm 21 %. Trước tình hình xã hội phát triển, nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân và cơ quan quản lý trong công tác quản lý giảm các vụ cháy nổ.
Theo GS. TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngoài ảnh hưởng đến tài sản, nhiều người không quan tâm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế nào. Nhà dân xây rất gần nhau tại các thành phố lớn, khu đô thị, khi cháy nổ xảy ra thiếu oxy, cháy nổ còn tạo luồng bụi mịn, theo gió lan ra làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực xảy ra vụ cháy và môi trường cách đó 200-300-500m cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khi hỏa hoạn xảy ra còn sinh ra luồng bụi mịn theo đường gió ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Do đó, nhiều người bị ngạt, chất lượng môi trường thay đổi nhiều, nguồn sinh vật chết cháy là những hậu quả khi cháy nổ xảy ra. Điều nữa là chúng ta phải dùng nước để dập cháy, nước này sẽ trở thành nước ô nhiễm chảy về ao, hồ… ảnh hưởng đến nguồn sinh vật dưới hồ, môi trường nước lân cận. Các mùn thải từ vụ cháy cũng ảnh hưởng đến môi trường, tùy theo đối tượng, vật liệu cháy để lại hậu quả cháy khác nhau…
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường. Theo ông Đồng, các vụ cháy nổ có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, tài sản, môi trường, tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh có tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Chúng ta có rất nhiều bài học và thế giới cũng vậy, những vụ cháy nổ có thể thành thảm họa môi trường. Việt Nam chưa có vụ án môi trường lớn, chưa đến mức thảm họa, nhưng nguy cơ thì có. Khu vực sản xuất kinh doanh lớn xảy ra cháy nổ thì hậu quả vô cùng lớn trong nhiều trng hợp sẽ xảy ra thảm họa. Bởi trong 1 siêu đô thị như Hà Nội và TP.HCM có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong đó sử dụng khối lượng rất lớn các nhiên liệu xăng dầu gas,… rất nhiều hóa chất độc hại và dễ cháy nổ khi quản lý không tốt những cơ sở này xảy ra cháy nổ gây ra hậu quả. Trong nhiều trường hợp có thể là thảm họa.
Chính vì vậy, luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung quy định chặt chẽ liên quan khoảng cách an toàn trong khu dân cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh được chia làm 4 nhóm khác nhau. Trong đó nhóm số 1 là nhóm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Để ngăn chặn ô nhiễm môi trường nếu xảy ra cháy nổ, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ khoảng cách an toàn, quy mô, công suất, tính chất và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đồng thời phải tuân thủ Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, luật PCCC.
Đối với góc độ bảo vệ môi trường, một dự án thông thường làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, nội dung bắt buộc phải có là nội dung xảy ra sự cố môi trường, mô tả cụ thể công đoạn gây ô nhiễm môi trường, trên cơ sở đó đề ra giải pháp ngăn chặn tác hại của sự cố ô nhiễm môi trường cháy nổ.
Nếu theo quy định Luật Bảo vệ môi trường, mỗi nhà đầu tư phải lập đánh giá tác động môi trường, mô tả rõ tác động môi trường, nhận định tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Luật quy định cụ thể, nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cho dự án hoạt động khi công trình đánh giá tác động môi trường hoàn thành và chạy thử nghiệm.
"Không ít doanh nghiệp trốn tránh thực hiện về trách nhiệm môi trường để tăng lợi nhuận, giảm chi phí. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhà nước ban hành bổ sung nhiều quy định thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Với việc kiểm tra chặt chẽ các đơn vị, vi phạm về môi trường đã giảm. Tôi hy vọng trong thời gian tới với quy định mới về Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được thực thi nghiêm túc hơn", ông Đồng cho biết thêm.
Nói về việc quản lý nhà nước về PCCC nói chung, các tòa chung cư và cơ sở kinh doanh hiện nay được thực hiện như thế nào, Trung tá Lê Minh Hải cho hay: Theo quy định tại Nghị định 136 đã phân công rất rõ trách nhiệm của cơ quan công an trong quản lý Nhà nước về PCCC, trách nhiệm của UBND các cấp. Phân cấp thì cấp cơ sở phụ lục 3 do cơ quan công an quản lý, những cơ sở thuộc phụ lục 4 của Nghị định số 136 thuộc UBND cấp xã quản lý. Trong đó, điều 52 của Nghị định quy định UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, kiểm tra đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và những nhiệm vụ cụ thể theo quy định của pháp luật.
Giải pháp giảm tác động cháy nổ tới môi trường
Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình xây dựng cao tầng là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn. Vậy giải pháp nào để hạn chế các vụ cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ?
Theo Trung tá Lê Minh Hải, chính sách, pháp luật về PCCC tương đối đầy đủ và được cập nhật thường xuyên phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tiêu chuẩn PCCC đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh chưa có quy định cụ thể dẫn đến người dân xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu về PCCC. Bộ Công an yêu cầu công an địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành các quy định về PCCC. Hiện nay, Bộ cũng phối hợp Bộ Xây dựng để xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn PCCC đối với nhà ở.
Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an).
Các cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm chỉ đạo, ban hành những nghị quyết văn bản chỉ đạo về PCCC, như Nghị quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC trước luật, các công trình chưa được nghiệm thu đã đi vào hoạt động.
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước đã chủ động tuyên truyền hướng dẫn người dân trong công tác PCCC, kiên quyết xử lý cơ sở vi phạm nghiêm trọng tạm đình chỉ, hay đình chỉ hoạt động và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật.
Công tác tuyên truyền được ưu tiên, tập trung hướng dẫn các lực lượng tại chỗ, như lực lượng dân phòng, phòng cháy cơ sở, từ đó có phương án cho chủ cơ sở, đôn đốc kiểm tra xử lý vi phạm, hướng dẫn chủ cơ sở tự kiểm tra tự thực hiện trách nhiệm công tác PCCC. Đặc biệt, đối với các cơ sở kinh doanh có hóa chất nguy hiểm, trong quá trình quản lý kiểm tra, tập trung giám sát chặt chẽ khu vực có cơ sở kinh doanh liên quan đến hóa chất và hướng dẫn, đưa ra các phương án hướng dẫn cơ sở để có biện pháp phòng ngừa, chữa cháy.
Đồng thời, trong phương án phòng cháy của cơ quan công an xây dựng những tình huống cụ thể, thực tập tình huống đó để nhuần nhuyễn hơn đối với các vụ cháy có hóa chất nguy hiểm, đưa ra chiến thuật chữa cháy khoa học, giảm thiểu tác động của cháy nổ đối với môi trường.
Để xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ, GS. TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: "Hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Tôi mong muốn lực lượng chức năng cần tìm hiểu nguồn tiếp nhận nước thải, đặc tính vật liệu cháy, nguyên nhân vụ cháy, để dự đoán có thành phần ô nhiễm phát sinh nào.
Đồng thời, phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường. Di dời người già, trẻ em, người ốm ra khỏi khu vực cháy nổ đó một thời gian để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng ta không thể thu gom lại khí, cần có thời gian thông thoáng khí, xử lý nước thải sinh ra về cơ sở xử lý nước thải, đảm bảo an toàn môi trường, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại là việc cần làm. Việc làm nữa là cần tiến hành kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực xảy ra cháy nổ, tránh nguy cơ nhiễm độc gây hại cho sức khỏe của cộng đồng".
Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân (Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động), công tác phòng cháy nổ ở cơ sở kinh doanh nhìn chung là tốt, tuy nhiên ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, công tác cháy nổ còn là vấn đề đáng quan tâm. Phải xây dựng ứng phó khẩn cấp để ứng phó với cháy nổ và vệ sinh an toàn lao động.
Đối với các doanh nghiệp phải xây dựng cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách. Cơ sở kinh doanh dưới 50 người phải có cán bộ bán chuyên trách, cơ sở sản xuất dưới 300 người phải có cán bộ chuyên trách. Thành lập hội đồng an toàn vệ sinh lao động, làm tốt an toàn vệ sinh lao động thì an toàn cháy nổ nhẹ hơn rất nhiều. An toàn vệ sinh lao động ở cơ sở phải thực hiện đồng bộ. Ví dụ: Tái chế nhựa xảy ra nhiều vụ cháy nổ ở Hà Nội vì chưa đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vấn đề điện, quy trình vệ sinh lao động chưa thực hiện đầy đủ.