“Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nâng cao năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động của doanh nghiệp” là đề tài do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thực hiện, triển khai đến các lãnh đạo, cấp quản lý, lao động của doanh nghiệp trên toàn quốc.
Đề tài tiếp nối đề tài
Như chúng ta đã biết, Chương trình Quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, trong đó có sự tham gia Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Trung tâm 3), đào tạo về các tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp. Chương trình đã thu hút hơn 7.000 lượt người học là các chuyên gia, tư vấn NSCL, các cán bộ, quản lý, người lao động và sinh viên trong các Bộ ngành, doanh nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ và các trường đại học. Trong đó, có hơn 5.000 lượt người học về NSCL và những người tham gia Chương trình đã có cho ra đời hơn 100 bộ tài liệu đào NSCL từ cơ bản đến nâng cao, giúp các doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và có hệ thống hơn. Chương trình đã kết thúc và đã góp phần tạo bước chuyển biến ban đầu về năng suất chất lượng.
Thảo luận Nhóm, nhận dạng vấn đề, phân tích và chọn công cụ giải quyết vấn đề từ Khóa đào tạo giai đoạn 2010 - 2020.
Tiếp đó, năm 2022, Trung tâm 3 được giao nhiệm vụ chủ trì đề tài nghiên cứu cấp quốc gia mang tên “Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nâng cao năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động của doanh nghiệp”. Đây là một trong những đề tài thuộc Chương trình Quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Điểm khác biệt của đề tài này là nghiên cứu chương trình đào tạo kết hợp giữa các công cụ NSCL phổ biến với các kiến thức kỹ năng về quản lý (bao gồm cả các kỹ năng mềm). Nội dung của chương trình đào tạo hướng vào từng đối tượng người học cụ thể trong doanh nghiệp – Lãnh đạo doanh nghiệp, Quản lý cấp trung và Người lao động (không là quản lý).
Cùng tham gia thực hiện đề tài, có VJCC – Tổ chức hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. VJCC chịu trách nhiệm thực hiện phần nội dung các khoá đào tạo cho Lãnh đạo doanh nghiệp.
Mục tiêu và ý nghĩa của đề tài
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các chuyên gia của Trung tâm 3 đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề tài đến các lãnh đạo, cấp quản lý, người lao động của Doanh nghiệp từ 2022 đến nay. Đề tài được xây dựng hướng đến mục tiêu chung là: nâng cao kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng, các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp chủ động trong triển khai thực hiện các hoạt động cải tiến nâng cao năng suất chất lượng. Phục vụ chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng…
Học viên và Giảng viên lớp Quản lý cấp Trung tại TP.HCM ngày 26/06/2023.
Từ mục tiêu chung, nhóm chuyên gia cũng đã xây dựng những mục tiêu cụ thể để hướng đến triển khai hiệu quả đề án như: hoàn thành 13 khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về NSCL cho ít nhất 420 học viên là lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động trong doanh nghiệp; có được chương trình và tài liệu đào tạo để làm “mô hình khung” cho việc nhân rộng đào tạo trong các giai đoạn tiếp theo của chương trình năng suất Quốc gia.
Việc thực hiện đề tài nghiên cứu này đã mang lại một số ý nghĩa nhất định. Cụ thể, với cộng đồng doanh nghiệp, việc cung cấp các khoá đào tạo từ đề án đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về cải tiến NSCL cho các doanh nghiệp (có cử học viên tham gia các khoá đào tạo này). Việc triển khai thành công đề tài sẽ góp phần giới thiệu và lan toả chương trình Quốc gia trong cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của NSCL, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các nhiệm vụ NSCL trong giai đoạn kế tiếp.
Đối với lĩnh vực chuyên môn có liên quan: Việc thực hiện đề tài sẽ giúp có được bộ tài liệu chuyên môn về đào tạo kết hợp công cụ NSCL và các kỹ năng quản lý cho từng nhóm đối tượng người học trong doanh nghiệp. Các tổ chức đào tạo về NSCL có thể tham khảo hoặc sử sử dụng bộ tài liệu cho hoạt động đào tạo NSCL của mình mà không tốn thời gian cũng như chi phí soạn thảo; Đối với tổ chức chủ trì, việc thực hiện đề tài sẽ góp phần làm tăng năng lực chuyên môn cũng như trau dồi thêm kinh nghiệm đào tạo cho các chuyên gia, góp phần phát triển đội ngũ giảng viên và chuyên gia tư vấn về NSCL của tổ chức.
Nhìn chung, kết quả của đề tài được xem là cơ sở để nhân rộng thành nhiệm vụ trong các giai đoạn sắp tới của “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 đến 2030” và góp phần thực hiện thành công chương trình Quốc gia phát động.
Lộ trình triển khai đề tài
Đề tài được nghiên cứu và triển khai hướng tới người học là Lãnh đạo, Quản lý cấp trung và Người lao động tại các tổ chức doanh nghiệp (ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, thuộc khu vực miền Nam, miền Trung và một phần miền Bắc.
Các lớp đào tạo đều được triển khai trong năm và kết thúc trong năm 2023. Có tổng số 13 lớp đào tạo cho ít nhất 460 lượt học viên tham dự và được phân bổ như sau:
- 03 khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nâng cao NSCL cho ít nhất 60 cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp trong do VJCC (đơn vị phối hợp) thực hiện trong đó 02 khoá được tổ chức tại khu vực TP.HCM và 01 khoá tại khu vực miền trung.
- 05 khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng về NSCL cho khoảng 150 lượt người học là các Quản lý cấp trung, trong đó 02 khoá tại khu vực TP.HCM, 02 khoá tại Cần Thơ và 01 khoá tại TP Vinh.
- Với người lao động, dự án cung cấp 05 khoá đào tạo kiến thức, kỹ năng về nâng cao NSCL. Có hơn 250 lượt người học tham gia các khoá này, trong đó có 02 khoá tại TP. Hồ Chí Minh, 01 tại Thành Phố Cần Thơ, 01 tại TP. Vinh và 01 tại Hà Nội.
Lớp Quản lý cấp Trung tại Cần Thơ ngày 20/07/2023
Các chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho từng nhóm người học trong tổ chức doanh nghiệp. Nội dung của 3 chương trình này có tính liên kết và bổ túc cho nhau.
Bảng bên dưới là chương trình đào tạo được chi tiết của 3 Khóa:
Khoá cho Lãnh đạo |
Khoá cho Quản lý cấp trung |
Khoá cho Người lao động |
1_Chân dung nhà lãnh đạo đổi mới/cải tiến NSCL; Các công cụ cải tiến NSCL cho lãnh đạo |
1_Giới thiệu NSCL và các công cụ cải tiến NSCL cho quản lý cấp trung. |
1_Giới thiệu NSCL và các công cụ cải tiến NSCL cho Người lao động. |
2_Kết hợp các công cụ cải tiến NSCL trong quá trình triển khai các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp
|
2_Thống kê, xử lý và phân tích dữ liệu phục vụ cải tiến NSCL
|
2_Công cụ 5S & Quản lý trực quan. Kết hợp thực hành 5S & Quản lý trực quan với phương pháp Bảo dưỡng tự chủ cho người lao động |
3_Xây dựng đội ngũ nhân sự hỗ trợ người lãnh đạo và cơ chế thúc đẩy hoạt động đổi mới/cải tiến |
3_Hoạch định, triển khai, giám sát chương trình cải tiến NSCL và đánh giá hiệu quả.
|
3_Giới thiệu về phương pháp Kaizen và các bước giải quyết vấn đề theo Kaizen. |
4_Xây dựng văn hoá đổi mới/cải tiến trong doanh nghiệp |
4_Các kỹ năng mềm cần thiết cho Quản lý cấp trung để thực hiện hiệu quả chương trình cải tiến trong doanh nghiệp |
4_Các kỹ năng mềm cần thiết cho Người lao động khi tham gia hoạt động cải tiến NSCL tại doanh nghiệp. |
|
5_Thực hành tại hiện trường. |
5_Thực hành tại hiện trường. |
Với khoá đào tạo cho Lãnh đạo doanh nghiệp, đây là chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về đổi mới/cải tiến NSCL có thời lượng 01 ngày và không có phần thực hành tại hiện trường. Khóa đào tạo này, giảng viên phụ trách từ VJCC – Đơn vị phối hợp với QUATEST 3 cùng thực hiện đề tài này.
Khoá cho Quản lý cấp trung với thời gian đào tạo là 10 ngày, trong đó có 2 ngày thực hành tại hiện trường. Khoá cho Người lao động có tổng thời lượng là 05 ngày trong đó 01 ngày thực hành tại hiện trường. Cả hai khoá cho Quản lý cấp trung và Người lao động đều do giảng viên có kinh nghiệm của QUATEST 3 phụ trách.
PV