Tại sự kiện, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TPHCM cho biết, ngành nhựa ở TPHCM hiện tăng trưởng khoảng 10-12 %/năm. Tuy vậy, ngành nhựa cũng đang phải đối mặt với những khó khăn như các doanh nghiệp và bao bì ở TPHCM vẫn đang cạnh tranh ở phân khúc thấp, rào cản lớn nhất vẫn là rào cản kỹ thuật. Năng lực sản xuất, máy móc, công nghệ còn lạc hậu làm chất lượng sản phẩm không cao, cạnh tranh kém; nhiều doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi công nghệ.
Chia sẻ thêm về những thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhựa nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cũng thông tin, châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai. Do vậy, việc các doanh nghiệp chủ động thực hiện chuyển đổi xanh được xem là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.
Thời gian qua, VSPA cũng đã luôn đồng hành và có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tổ chức doanh nghiệp kết nối với các chương trình của UBND TPHCM; tập trung xây dựng các chương trình cụ thể như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thúc đẩy tuyên truyền phân loại rác tại nguồn để thu hồi rác thải nhựa tái chế triệt để, bảo vệ môi trường và thiên nhiên trên địa bàn TPHCM theo hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững.
Nguồn: Báo SGGP