Để nâng cao mức chất lượng của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ, một trong những nền tảng chủ yếu trong việc nâng cao sức cạnh tranh của chúng, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của các nước đều hướng đến những biện pháp mang tính đòn bẩy là tiêu chuẩn hoá, đo lường và quản lý chất lượng.
Sự ra đời của bộ tiêu chuẩn ISO 9000 đã tạo ra một bước ngoặt trong hoạt động tiêu chuẩn hoá và quản lý chất lượng trên thế giới nhờ sự hưởng ứng rộng rãi, nhanh chóng của nhiều quốc gia trên thế giới với bộ tiêu chuẩn này. Ngoài hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000, nhiều hệ thống quản lý, công cụ, mô hình quản lý khác đã được hình thành và được áp dụng rộng rãi trong thời gian vừa qua ở nhiều quốc gia như: ISO 14000, HACCP, GMP, ISO 22000, Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), 5S, Kaizen, 7 công cụ thống kê, Six sigma…và giải thưởng về chất lượng.
Giải thưởng về chất lượng và sự vượt trội (sự tuyệt hảo) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được đánh giá và lựa chọn chính là sự thừa nhận và là nhân tố quan trọng của các chiến lược hoàn thiện, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh ở cả hai cấp độ kinh tế: vi mô và vĩ mô.
Trên thế giới hiện có khoảng 83 quốc gia (Châu Âu: 34; Châu Á: 27; Châu Mỹ: 15; Châu Phi: 4; Châu Đại Dương: 3) có giải thưởng về chất lượng và sự tuyệt hảo được thiết lập bởi chính phủ và một số tổ chức chất lượng mang tầm khu vực và thế giới.
Các giải thưởng chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế thường là các giải thưởng chất lượng trao cho tổ chức, doanh nghiệp với mục tiêu là hướng vào việc cải tiến chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm hệ thống hoá và cơ cấu hoá hệ thống quản lý để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất. Sự thừa nhận rộng rãi mà Giải thưởng chất lượng mang lại cho các doanh nghiệp đoạt giải chính là “giá trị gia tăng” mà các doanh nghiệp đó có được để tiếp tục cải tiến hoạt động của mình.
Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2019-2020.
Nhiều giải thưởng chất lượng được thiết lập triển khai sớm từ những năm của thập niên 1980 và 1990 như: Giải thưởng chất lượng Malcolm Baldrige – Giải thưởng chất lượng quốc gia của Mỹ, Giải thưởng Ôxtralia về sự tuyệt hảo, Giải thưởng Chất lượng Nhật Bản (JQA), Giải thưởng Chất lượng Xingapo về sự tuyệt hảo (SQA), Giải thưởng Chất lượng Châu Âu… là những ví dụ điển hình về các mô hình thành công mẫu mực của việc xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý hướng vào khách hàng và áp dụng các thực hành tốt nhất.
Hai mô hình giải thưởng chất lượng điển hình hiện đang được hầu hết các quốc gia, khu vực nghiên cứu áp dụng:
Thứ nhất, Giải thưởng Malcolm Baldridge – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ (MBNQA).
Giải thưởng MBNQA (Malcolm Baldrige Award – MBNQA mang tên vị Bộ trưởng Bộ Thương mại đã bị tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông, thực hiện theo Luật số 100-107, do Tổng thống Mỹ Ronan Ri-gân ký ngày 20/8/1987.
7 tiêu chí của MBNQA đưa ra những yêu cầu cơ bản và rất cần thiết cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Trong đó: Tiêu chí 1: Vai trò của lãnh đạo: Đề cập đến việc lãnh đạo cao nhất chỉ đạo và duy trì doanh nghiệp, thiết lập tầm nhìn, các giá trị và các mong muốn của doanh nghiệp; Cách thức trao đổi thông tin lãnh đạo với lực lượng lao động và phát triển đội ngũ lãnh đạo tương lai; Việc tuân thủ pháp luật và tạo ra môi trường khích lệ lối hành xử về đạo đức và hoạt động hỗ trợ các cộng đồng chính.
Tiêu chí 2: Hoạch định chiến lược: Đề cập đến việc lập và triển khai kế hoạch chiến lược và hành động của doanh nghiệp; Cách thức doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực thích hợp để hoàn thành các kế hoạch này. Tiêu chí này nhấn mạnh sự bền vững lâu dài của doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp là những vấn đề chiến lược chính được coi là không thể thiếu trong việc lập kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp.
Tiêu chí 3: Định hướng khách hàng và thị trường: Đề cập đến việc doanh nghiệp cố gắng hiểu được mong muốn của khách hàng và của thị trường như thế nào, với trọng tâm là đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu và mong muốn của khách hàng để làm thoả mãn khách hàng và xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Tiêu chí này nhấn mạnh các mối quan hệ như là một phần quan trọng của một chiến lược tổng thể về lắng nghe, học hỏi.
Tiêu chí 4: Đề cập đến việc doanh nghiệp thu thập, xử lý đối với tất cả các dữ liệu, thông tin về đo lường, phân tích, cải tiến hoạt động cũng như quản lý tri thức của doanh nghiệp nhằm định hướng việc cải tiến và cạnh tranh của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tiêu chí này có vai trò quan trọng trong việc kết hợp các hoạt động với mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng và sự sẵn có của thông tin. Thông tin, phân tích và quản lý tri thức có thể là những khởi nguồn cho lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng năng suất, nên tiêu chí này cũng bao gồm cả những xem xét có tính chiến lược.
Tiêu chí 5: Phát triển nguồn nhân lực: Đề cập đến những thực tiễn chủ yếu về lực lượng lao động, hướng vào việc hình thành và duy trì một lực lượng lao động có chất lượng cao, cũng như cách thức tuyển dụng, quản lý và phát triển lực lượng lao động.
Tiêu chí 6: Quản lý các quá trình: Đề cập đến các trọng tâm của hệ thống làm việc và các quá trình làm việc chính của doanh nghiệp. Tiêu chí này đưa ra các yêu cầu chính nhằm xác định và quản lý các năng lực chủ yếu của doanh nghiệp để đạt được việc quản lý quá trình làm việc hiệu quả và hiệu lực.
Tiêu chí 7: Kết quả hoạt động kinh doanh: Xác định các kết quả hoạt động đã đạt được của doanh nghiệp (kết quả về sản phẩm và dịch vụ; khách hàng; tài chính và thị trường; người lao động; hiệu quả hoạt động; lãnh đạo và trách nhiệm xã hội).
Các tiêu chí này thường xuyên được Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển công nghệ và nhu cầu thị trường. Mỗi tiêu chí đều được chi tiết thành các nội dung với các yêu cầu, hướng dẫn cụ thể những vấn đề doanh nghiệp cần phải quan tâm, là cơ sở để doanh nghiệp tự xem xét, đánh giá, hoàn thiện và cải tiến liên tục mô hình quản lý hoạt động của mình.
”Các tiêu chí của MBNQA là những tiêu chuẩn tuyệt vời đối với các công ty, làm căn cứ để các công ty phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo trong kinh doanh. Tham gia MBNQA là cơ hội để các công ty nhìn lại mình bằng con mắt của người tiêu dùng và thị trường. Giải thưởng MBNQA đã trở thành tiêu chuẩn thế giới và điều này được khẳng định thông qua sự hình thành với số lượng ngày càng gia tăng của các chương trình tương tự trên toàn thế giới” (Phát biểu của Tổng thống George Bush tại lễ trao giải MBNQA của Mỹ năm 2000).
7 tiêu chí được đánh giá theo số điểm tối đa là 1000 điểm, mỗi tiêu chí ứng với số điểm tối đa theo quy định. Việc đánh giá cho điểm đối với từng nội dung, hạng mục và tiêu chí được tiến hành trên cơ sở 3 khía cạnh: Tiếp cận, triển khai và kết quả.
Năm 2000 tổ chức Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (APQO) (Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1995) đã thiết lập Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) theo mô hình giải thưởng chất lượng MBNQA. (Hội đồng chủ chốt của GPEA gồm các thành viên đại diện cho 18 quốc gia: Úc, Trung Quốc, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Nepal, New Zealand, Peru, Philippines, Nga, Ả Rập Saudi, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mỹ và Việt Nam). Từ năm 2000 đến nay Việt Nam liên tục đề cử các doanh nghiệp Việt Nam tham dự GPEA.
Thứ hai, Giải thưởng chất lượng Châu Âu (EQA):
Giải thưởng Chất lượng Châu Âu (European Quality Award – EQA) được thiết lập vào năm 1992 theo sáng kiến của Quỹ Quản lý Chất lượng Châu Âu (The European Foundation for Quality Management – EFQM) với sự ủng hộ của Tổ chức, doanh nghiệp Chất lượng Châu Âu (The European Organisation for Quality – EOQ) và Uỷ ban Châu Âu (The European Commission – EC).
Việc thiết lập EQA là hệ quả của tiến trình phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh ở Châu Âu. Ngay từ những năm đầu của thập niên 1980, các doanh nghiệp Châu Âu đã bắt đầu có những nỗ lực trong việc tìm kiếm cách tiếp cận thích hợp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề chất lượng theo nghĩa rộng. Chất lượng, theo cách tiếp cận mới, không chỉ giới hạn ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn bao hàm cả chất lượng cung ứng, quản lý-điều hành, dịch vụ hậu mãi và các khía cạnh khác trong hoạt động của doanh nghiệp để hướng tới sự phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp tham dự được đánh giá trên cơ sở 9 tiêu chí, chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 đánh giá khả năng của doanh nghiệp và nhóm 2 đánh giá kết quả hoạt động.
Nhóm 1 liên quan đến những điều kiện cần có, cần đảm bảo để có thể đạt được những kết quả đã đề ra, gồm các tiêu chí: Vai trò của lãnh đạo: Vai trò của toàn thể lãnh đạo của doanh nghiệp trong việc áp dụng TQM; Quản lý người lao động: Đề cập đến không chỉ các phương pháp và phương thức quản lý người lao động trong công ty mà còn đến ý thức, sự gắn bó của họ đối với doanh nghiệp; Chính sách và chiến lược: Tầm nhìn của doanh nghiệp, việc xác định các mục tiêu, nhận thức về các giá trị và phương hướng phát triển cùng với phương thức để đạt được những mục tiêu đã đề ra; Các đối tác và nguồn lực: Quản lý, sử dụng và bảo toàn các nguồn lực tài chính, thông tin và công nghệ; Các quá trình: Quản lý các hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp tạo nên giá trị cho doanh nghiệp.
Nhóm 2 đề cập đến những kết quả mà doanh nghiệp đã đạt được, với các tiêu chí: Thoả mãn người lao động: Thoả mãn những người lao động của doanh nghiệp bằng các hình thức cải thiện điều kiện làm việc và khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với kết quả làm việc của họ, từ đó nâng cao nhận thức gắn bó của họ đối với công việc và doanh nghiệp; Thoả mãn khách hàng: Sự tiếp nhận và sự gắn bó của người tiêu dùng bên ngoài (trực tiếp và gián tiếp) đối với doanh nghiệp nói chung và đối với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nói riêng; Ảnh hưởng đối với cộng đồng, xã hội: Nhận thức và nhận xét của mọi người và tổ chức, doanh nghiệp trong cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống của những người có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, về đóng góp của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, bao gồm cả bảo vệ các nguồn lực trên quy mô toàn thế giới; Các kết quả hoạt động: Sự phù hợp của các kết quả đạt được trong thực tế với những mục tiêu đã hoạch định.
Cả 9 tiêu chí của EQA đều được sử dụng để đánh giá sự tiến bộ của doanh nghiệp.
Giải thưởng Chất lượng MBNQA và Giải thưởng Chất lượng EQA được xem là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng mô hình tự đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của các doanh nghiệp. Giải thưởng chất lượng hay còn được gọi là Mô hình hoạt động xuất sắc (Business Excellence Model – BEM) ngày càng được các doanh nghiệp trong cả khu vực công và tư nhân sử dụng để tự đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý, đo lường hoạt động cải tiến và triển vọng của tổ chức mình.
Ngoài hai mô hình giải thưởng chất lượng điển hình là Giải thưởng chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ (MBNQA) và Giải thưởng chất lượng Châu Âu (EQA) thì nhiều quốc gia, tổ chức cũng nghiên cứu, xây dựng các mô hình giải thưởng chất lượng của riêng mình như Úc, Ca-na-đa, Lu-xem-bua, I-xa-ren, Nhật Bản (giải thưởng Deming),…
Dù chấp nhận hoàn toàn hai mô hình giải thưởng điển hình hay áp dụng mô hình giải thưởng chất lượng của riêng mình thì tựu chung các giải thưởng chất lượng đều hướng đến các mục tiêu cơ bản sau: Cung cấp một mô hình tự đánh giá để giúp tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất; Tôn vinh xứng đáng những tổ chức, doanh nghiệp đạt những thành tích xuất sắc trong hoạt động, áp dụng thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội; Thông qua Giải thưởng chất lượng để nhằm khuyến khích phong trào năng suất, chất lượng cũng như định hướng phát triển, chính sách của hoạt động năng suất, chất lượng tại từng quốc gia, khu vực.
Để thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp nỗ lực hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động, hệ thống các tiêu chí giải thưởng chất lượng được thiết kế giúp các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng cách tiếp cận tổng hợp trong việc quản lý hoạt động của mình nhằm đạt các kết quả: Cải thiện các giá trị đem lại cho khách hàng và các bên liên quan, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tổ chức; Cải thiện hiệu quả và khả năng hoạt động của tổ chức về mọi mặt; Nâng cao kỹ năng, kiến thức cho các cá nhân và toàn bộ tổ chức.
Các tiêu chí giải thưởng chất lượng của các quốc gia và khu vực đều được xây dựng dựa trên một hệ thống các nguyên tắc cơ bản (các giá trị cốt lõi) sau: Tầm nhìn của lãnh đạo; Định hướng vào khách hàng; Nâng cao kiến thức của tổ chức và cá nhân; Nâng cao giá trị của các bên có quyền lợi liên quan; Sự linh hoạt, nhạy bén; Chú trọng vào tương lai; Quản lý để đổi mới; Quản lý dựa trên sự kiện; Trách nhiệm xã hội; Chú trọng vào kết quả và tạo ra giá trị; Mục đích quản lý theo hệ thống.
Sơ đồ dưới đây thể hiện mối quan hệ giữa các tiêu chí giải thưởng chất lượng và các giá trị cốt lõi của hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến:
Trong hai năm 2009 và 2010, Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization-APO) đã tiến hành điều tra đối với 74 doanh nghiệp/tổ chức đạt giải thưởng chất lượng tại 5 quốc gia: Ấn Độ (27), Nhật Bản (10), Xingapo (19), Đài Loan (6) và Thái Lan (12). Phương pháp điều tra: Thảo luận nhóm, Phỏng vấn Giám đốc điều hành (CEO) và Phiếu điều tra, kết quả như sau: 97% cho rằng giải thưởng chất lượng có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống quản lý và cải tiến hiệu quả hoạt động; 83% cho rằng giải thưởng chất lượng giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong tương lai; 97% cho rằng cách tiếp cận của giải thưởng chất lượng đã giúp cho cải thiện được hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động; 100% cho rằng giải thưởng chất lượng là một công cụ đánh giá khả năng cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp.
Tháng 8/1995, tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thông báo về việc thiết lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam và được triển khai từ năm 1996. Năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được nâng thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG).
GTCLQG được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBNQA). Đây là Giải thưởng được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn để nghiên cứu học tập khi xây dựng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của mình. GTCLQG là Giải thưởng Nhà nước duy nhất về chất lượng, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng và là Giải thưởng nằm trong hệ thống Giải thưởng chất lượng GPEA.
GTCLQG được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp tham dự GTCLQG theo 4 loại hình: Doanh nghiệp sản xuất lớn; Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; Doanh nghiệp dịch vụ lớn và Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.
GTCLQG gồm 02 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Các doanh nghiệp tham gia GTCLQG phải xây dựng báo cáo tự đánh giá theo 07 tiêu chí và được đánh giá theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm.
Căn cứ pháp lý để triển khai hoạt động GTCLQG: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được Quốc hội khoá 12 thông qua ngày 21/11/2007; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP; Thông tư số 27/2019/TT-BKHCN, ngày 26/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định 132/2008/NĐ-CP và Nghị định 74/2018/NĐ-CP.
Sau 24 năm hoạt động (từ 1996 đến 2020), đã có 2030 lượt doanh nghiệp đạt giải, trong đó có 280 lượt doanh nghiệp đạt Giải Vàng và 129 lượt doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, từ năm 2000 khi APQO thiết lập Giải thưởng GPEA đến nay, Việt Nam đã có 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong các doanh nghiệp đạt GTCLQG, được nhận Giải thưởng GPEA.
Tôn vinh, khen thưởng nói chung và tôn vinh, khen thưởng về chất lượng nói riêng là một đòi hỏi tất yếu khách quan của tổ chức, cá nhân. Trong giai đoạn hiện nay, khi chất lượng trở thành một trong các yếu tố quan trọng để tạo dựng sự phát triển bền vững cho tổ chức, doanh nghiệp và cả xã hội.
Việc áp dụng những công nghệ và công cụ quản lý tiên tiến là cách thiết thực để làm cho sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của chúng ta có khả năng trước hết là tiếp cận thị trường và sau nữa là có khả năng cạnh tranh cao so với các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ cùng loại của nước ngoài ngay trên thị trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.
Nguồn: tcvn.gov.vn